09/05/2024 11:41
Lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra tại Điện Kremlin - Ảnh: Sputnik
Trước sự chứng kiến của các thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện), Duma Quốc gia (Hạ viện) và các thẩm phán Tòa án Hiến pháp Nga, ông Putin đặt tay lên cuốn Hiến pháp và đọc 33 từ được quy định trong Điều 82 của Hiến pháp: "Xin thề tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân, tuân thủ và bảo vệ Hiến pháp Liêng bang Nga, bảo vệ chủ quyền và độc lập, an ninh và toàn vẹn của nhà nước, trung thành phục vụ nhân dân". Sau đó, Chánh án Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga tuyên bố Tổng thống đã nhậm chức.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tổng cộng có khoảng 2.600 người đã được mời tham dự buổi lễ. Theo kế hoạch, ông Putin sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Nga trong 6 năm tới, cho đến năm 2030.
Phát biểu tại lễ tuyên thệ, theo TTXVN, Tổng thống Putin cho biết ông nhận thức rõ niềm vinh dự và trách nhiệm trên cương vị tổng thống, khẳng định số phận của nước Nga sẽ do chính người Nga định đoạt và vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau. Ông Putin nhấn mạnh việc bảo tồn dân tộc, các giá trị truyền thống lâu đời là ưu tiên hàng đầu của Nga. Tổng thống Putin nêu rõ hệ thống chính trị của LB Nga phải ổn định và cần bảo đảm việc duy trì sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Ông nêu rõ: "Nga tự tin hướng tới tương lai, người dân đoàn kết và vĩ đại".
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh sự an toàn của người dân Nga là trên hết và Nga sẽ vượt qua giai đoạn quan trọng khó khăn này. Theo ông, Nga đang và sẽ mở cửa với các quốc gia coi mình là đối tác, không từ chối đối thoại với các nước phương Tây. Trong thế giới phức tạp, nước Nga cần "tự chủ và cạnh tranh" và hệ thống của nước Nga phải linh hoạt.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga lần thứ 8, diễn ra từ ngày 15-17/3 vừa qua, ông Putin đã giành chiến thắng áp đảo ngay từ vòng đầu tiên, với hơn 87% số phiếu ủng hộ. Tổng thống Putin đã giành chiến thắng trong toàn bộ 5 lần ra tranh cử và năm nay ông đắc cử với số phiếu kỷ lục so với 4 lần trước.
Theo giới phân tích, ông Putin đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ cử tri bởi họ ưa thích một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, kiên định. Họ hy vọng ông Putin sẽ dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn và bảo vệ an ninh quốc gia trước những mối đe dọa từ bên ngoài.
Tổng thống Putin ký sắc lệnh đầu tiên sau khi tuyên thệ nhiệm kỳ mới
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh Về các mục tiêu phát triển quốc gia của Liên bang Nga đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036 ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 5.
Hãng tin TASS dẫn lời Điện Kremlin ngày 7/5 (giờ địa phương) cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 của mình.
Sắc lệnh trên có tên Về các mục tiêu phát triển quốc gia của Liên bang Nga đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036, với nội dung chính là các mục tiêu cụ thể của nước Nga trong những năm tới.
Những mục tiêu được nhắc đến trong sắc lệnh này xoay quanh việc phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội, củng cố quyền lực nhà nước, văn hóa, các giá trị truyền thống, kinh tế, gia tăng dân số và cải thiện chất lượng sống.
Thông cáo của Điện Kremlin cho biết sắc lệnh được ban hành dựa trên "giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, nền tảng yêu nước, ưu tiên của cá nhân, công lý xã hội và cơ hội bình đẳng.
Sắc lệnh đảm bảo an ninh đất nước, an toàn công cộng, sự cởi mở với thế giới, phát triển kinh tế dựa trên cạnh tranh công bằng, khởi nghiệp, công nghệ...".
Sắc lệnh bao gồm 11 điều. Mỗi điều được chia thành các khoản nhỏ với những mục đích và mục tiêu cụ thể.
Sắc lệnh trên có hiệu lực ngay từ thời điểm được ông Putin ký thông qua, thay thế cho sắc lệnh tương tự đã được tổng thống Nga ký hồi năm 2020.
Việc thông qua sắc lệnh quy định các mục tiêu xây dựng đất nước ngay sau khi tuyên thệ nhiệm kỳ mới đã trở thành truyền thống được ông Putin duy trì từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba hồi năm 2012.
Sắc lệnh vừa được tổng thống Nga thông qua là văn bản pháp lý thứ ba được ký theo truyền thống này, sau hai sắc lệnh tương tự hồi năm 2012 và 2018.
Riêng sắc lệnh năm 2018 đã được cập nhật vào năm 2020.
Thủ tướng Hun Manet cho biết cuộc cải tổ nội các lần này nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đối ngoại của Campuchia, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia.