29/12/2023 09:02
Chuyến tàu cao tốc đầu tiên trước giờ khởi hành.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, sáng 27/12, tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng-Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc chính thức đi vào vận hành. Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên thông tuyến tới Đông Hưng-thành phố biên giới với Việt Nam, chính thức kết nối với hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc.
Việc tuyến tàu cao tốc Cảng Phòng Thành-Đông Hưng đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN.
Theo thống kê của Hải quan thành phố Đông Hưng, 11 tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Đông Hưng đạt hơn 823.000 tấn với kim ngạch hơn 64,78 tỷ nhân dân tệ, vượt mức của cả năm 2022.
Trong khi đó, Hải quan thành phố Nam Ninh cho biết, 11 tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam tăng 31%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Cụ thể, về hàng nông sản, 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng từ Việt Nam của Quảng Tây là 7,49 tỷ nhân dân tệ, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị nhập khẩu sầu riêng tươi là 4,16 tỷ nhân dân tệ; sắn tươi, tổ yến lần lượt là hơn 9,78 triệu và 0,907 triệu nhân dân tệ.
Những năm gần đây, Quảng Tây và Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực như may mặc, điện tử viễn thông... Lợi thế về bổ sung ngành nghề của hai bên rất lớn, trao đổi thương mại luôn duy trì đà tăng trưởng.
Tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng được khởi công xây dựng tháng 12/2018 với tổng mức đầu tư 6,48 tỷ nhân dân tệ, tổng chiều dài toàn tuyến 47km, tốc độ thiết kế 200km/giờ và có thể tăng lên 250km/giờ. Đây là tuyến đường sắt chở hành khách - hàng hóa cấp I quốc gia.
Hiện tại, mỗi ngày sẽ có 6 chuyến tàu chở khách, rút ngắn thời gian di chuyển từ Phòng Thành Cảng đến Đông Hưng từ 60 phút hiện nay xuống còn 20 phút.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.