01/01/2024 20:35
Ngày 30/12/2023, các Ngoại trưởng ASEAN đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á.
Văn kiện này một lần nữa khẳng định quan điểm chung của ASEAN về hợp tác biển trong khu vực. Đó chính là các nguyên tắc căn bản trong ứng xử của các nước trên các vùng biển ở Đông Nam Á trong đó có Biển Đông.
“Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông” Tuyên bố viết. Trên cơ sở đó, Ngoại trưởng các nước ASEAN “tái khẳng định tính cấp thiết của việc khôi phục và tăng cường lòng tin và tin cậy; tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định; tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.
Các Ngoại trưởng đồng thời “nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cam kết hợp tác chặt chẽ để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.
Nhắc tới trong các trao đổi gần đây giữa các nước về vấn đề này, các Ngoại trưởng ASEAN “hoan nghênh việc Mỹ và Trung Quốc vừa qua đã tổ chức tham vấn về biển tại Bắc Kinh cũng như cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC tại California” và “hy vọng những đối thoại như vậy sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường ổn định và hợp tác trong không gian biển ở khu vực”.
Đây là lần thứ 5 ASEAN ra Tuyên bố riêng về các vấn đề trên biển kể từ 1995. Được biết, lần gần đây nhất ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông là vào năm 2014.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.