13/06/2020 14:41
Đây là 01 trong 05 sự kiện giao thương trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ nhằm tìm ra mô hình hợp tác kinh tế phù hợp trong trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gián đoạn sự hợp tác toàn cầu.
Tham dự Hội thảo trực tuyến có: Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma và đại diện các đơn vị tổ chức, các doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Ấn Độ.
Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hai nước đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các buổi giao thương, gặp gỡ người bán – người mua, song kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Trong năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu dệt may và nguyên phụ liệu xơ sợi khoảng 7,6 tỷ USD nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ vào khoảng 450 triệu USD (chiếm khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu của ngành may Ấn Độ); ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu và bông cũng đạt khoảng 450 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Pranay Verma nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là dịp để hai bên tìm kiếm những cơ hội mới nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi. Theo Đại sứ Verma, thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Ấn Độ vốn có thế mạnh trong các lĩnh vực dược phẩm, thép và nông nghiệp. Ngoài ra, Ấn Độ cũng hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm hiểu và cân nhắc đầu tư tại thị trưởng Ấn Độ nhiều hơn thời gian tới.
Đại sứ Phạm Sanh Châu phát biểu tại Hội thảo.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho rằng, việc hai nước thiết lập được đường bay thẳng nối các trung tâm kinh tế của nhau là một lợi thế cho phát triển giao thương, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế. Bước tiếp theo cần hướng tới là mở các tuyến hàng hải trực tiếp, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai nước. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam đang xem xét việc cấp phép cho các ngân hàng Ấn Độ được mở chi nhánh tại Việt Nam, cấp visa dài hạn hơn cho doanh nghiệp Ấn Độ sang tìm hiểu cơ hội kinh doanh và du lịch tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các chủ đề: Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Ấn Độ và Việt Nam; Cách thức để vượt qua khủng hoảng; Vấn đề chấp nhận tình trạng bình thường mới, cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước sau khi kiểm soát được dịch bệnh, giải quyết các rào cản để khuyến khích thương mại đầu tư.
(Nguồn báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ bước đi này phản ánh quan điểm kiên định của EU rằng các biện pháp tạm thời của Trung Quốc đối với rượu mạnh nhập từ EU không phù hợp với các quy tắc của WTO.