16/02/2024 16:03
Việt Nam là đối tác số một của Peru trong khu vực ASEAN.
Cục trưởng Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao Peru Jaime Cacho-Sousa Velázquez nhấn mạnh Việt Nam là đối tác số một của Peru trong ASEAN, đồng thời đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Peru.
Đại sứ Việt Nam Bùi Văn Nghị đã trình bản sao Ủy nhiệm thư của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Cục trưởng Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao Peru, Jaime Cacho-Sousa Velázquez, tại Lima.
Phát biểu tại buổi lễ trình bản sao Ủy nhiệm thư bổ nhiệm ngày 07/02, ông Cacho-Sousa nhấn mạnh Việt Nam là đối tác số một của Peru trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Peru.
Ông Cacho-Sousa cũng đề cao hiệu quả các dự án đầu tư của Việt Nam tại Peru, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp Viễn thông Bitel, với vốn đầu tư của Tập đoàn viễn thông Viettel của Việt Nam, trong triển khai dịch vụ tại các khu vực nông thôn, vùng biên giới Peru.
Ông bày tỏ mong muốn hai nước nghiên cứu một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông để hỗ trợ mở rộng phủ sóng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa của Peru, giúp trẻ em nghèo tiếp cận công nghệ để cải thiện điều kiện học tập.
Ông Cacho-Sousa cảm ơn Việt Nam ủng hộ Peru đăng cai Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong năm 2024, đây là lần thứ 3 nước này tổ chức APEC.
Peru mong muốn Việt Nam ủng hộ, hợp tác tổ chức thành công sự kiện này và mong muốn được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự APEC 2024.
Nhân dịp này, Đại sứ Bùi Văn Nghị chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tổng thống Peru Dina Boluarte và lời mời sớm thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tổng thống Dina Boluarte.
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Peru (14/11/1994-14/11/2024), hai bên cam kết thúc đẩy tổ chức nhiều hoạt động, cũng như trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương như trao đổi đoàn các cấp, duy trì thường xuyên và hiệu quả cơ chế hợp tác song phương gồm Ủy ban liên Chính phủ và tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thương mại và mở ra các lĩnh vực hợp tác mới như du lịch, giáo dục, công nghệ, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như APEC và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngày 08/02, trong buổi làm việc với Đại sứ Javier Augusto Prado, Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Peru, Đại sứ Bùi Văn Nghị khẳng định hai nước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư và còn nhiều dư địa hợp tác khi hai nước chính thức trở thành thành viên đầy đủ của CPTPP.
Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Peru gồm giày dép, clanker và xi-măng, máy tính, đồ điện tử và linh kiện, chất dẻo, xơ sợi dệt may, cao su, hàng thủy sản và sản phẩm nội thất, trong khi nhập khẩu bột cá, dầu cá, sợi acrylic và nguyên phụ liệu chế biến.
Đại sứ Bùi Văn Nghị và đoàn làm việc với Bộ Ngoại giao Peru.
Đại sứ Bùi Văn Nghị đề nghị Chính phủ Peru tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ triển khai hiệu quả các dự án đầu tư viễn thông của Viettel và dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).
Viettel chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông tại Peru từ năm 2014 với thương hiệu Bitel và hiện nhà mạng của liên doanh này có hạ tầng cáp quang lớn nhất ở nước Nam Mỹ với hơn 5,3 triệu thuê bao.
Bitel cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Peru trong các lĩnh vực như chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực quân đội, cảnh sát và hỗ trợ phủ sóng dịch vụ viễn thông tới các khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Ông Augusto Prado khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng khai phá hiệu quả mọi tiềm năng kinh tế của hai nước, phục vụ công cuộc phát triển của Việt Nam cũng như Peru, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Tại Mỹ Latinh, Peru hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.