03/07/2022 06:28
Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow và Đại sứ Phan Chí Thành tại cuộc gặp.
Cuộc gặp nhằm thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong lĩnh vực năng lượng trong bối cảnh hai nước bắt đầu mở cửa trở lại và tái phục hồi nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Tham dự cuộc gặp còn có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Tại cuộc gặp, ông Supattanapong đánh giá cao sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực năng lượng; đề nghị hai bên tổ chức Diễn đàn Năng lượng lần thứ 2 tại Thái Lan vào tháng 8 tới để tiếp tục thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước sang giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Năng lượng Supattanapong Punmeechaow khẳng định tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường năng lượng Việt Nam, nhất là năng lượng sạch, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan trong việc phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Theo ông Supattanapong, Thái Lan đã đúc kết được kinh nghiệm trong nhiều năm qua về phát triển hệ thống năng lượng với các đề án, chương trình xúc tiến đầu tư được triển khai khá thành công. Phó Thủ tướng Supattanapong mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tiếp tục là cầu nối quan trọng trong hợp tác năng lượng giữa hai nước.
Về phần mình, Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định chính phủ Việt Nam luôn coi trọng các dự án đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan sang Việt Nam nói chung và nhất là trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch.
Ủng hộ việc tổ chức Diễn đàn năng lượng Thái Lan-Việt Nam vào tháng 8, Đại sứ cho rằng Diễn đàn sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi về triển vọng hợp tác, kết nối năng lượng giữa hai nước, đồng thời giúp cho việc giải quyết các khó khăn, thách thức mà hai bên đang gặp phải khi triển khai các dự án.
Đại sứ đề nghị Bộ Năng lượng Thái Lan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam thúc đẩy các chương trình hợp tác, trao đổi đoàn các cấp với mục tiêu nâng cao hiệu quả hợp tác năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của cả hai nước trong thời gian tới.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.