Bằng sự trải nghiệm của người đã đi nhiều nơi, khơi thông những mạch nguồn mang nước vào tưới tiêu nội đồng, Thủy Nguyên đã có những tâm sự chân thành và tha thiết trong những bài thơ như: Đêm thử máy, Lộ trình của nước, Trong tầm che cái đập, Lục bát dòng kênh, Dấu chân người khảo sát, Đưa nước lên đồng gò…Có thể nói đó là những dòng thơ của cái Tôi trữ tình công dân sâu đậm với khát vọng cống hiến, mong muốn mang đến màu xanh mới cho quê hương xứ sở. Đó chính là "Giọt mồ hôi sáng long lanh – Góp thu muôn giọt mới thành dòng kênh- Da bàn tay cứ phồng lên – chuốt mòn nhẵn bó cán leng ta cầm" (Lục bát dòng kênh). Đó còn là "Phèn xót kẻ những bàn chân khảo sát- lầy lội nắng mưa bao lộ tuyến đã qua – cái khát se môi đồng quạnh không nhà- giọt mồ hôi tuôn thẫm trên mặt đất (Lộ trình của nước)…
Cảm hứng về đất nước quê hương cũng là một mạch nguồn la tỏa trong tập thơ. Bài thơ “Còn đây sông nước Cửu Long” là bài thơ tạo dựng lại một thời cha ông mở cõi với biết bao nhiêu gian nan trước vùng đất mới:
"Khi những bước chân phiêu bạt tới đây thì đã có rồi
Đất hoang đã đầy gai rừng, muỗi vắt
Giọt mồ hôi tuôn, lệ tràn khóe mắt
Hòa với máu làm nồng đượm đất này đây".
Tình yêu với mảnh đất Trà Vinh luôn là tình yêu mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ. Phải chăng với những tháng ngày xa quê biền biệt, nên ngày trở về lại đong đầy bao cảm xúc:
"Ôi Trà Vinh xa cách bao năm
con được trở về đây bên mẹ
để lạu sau lưng những tháng năm trai trẻ
Trôi nổi đất người dầu dãi nắng mưa"
(Trà Vinh ngày về).
Người đọc còn bắt gặp biết bao nhiều hình ảnh đẹp về quê hương Trà Vinh trong hoài niệm của nhà thơ. Qua bài thơ Nhớ- nên nhìn thấy cảnh quê hương, người đọc xúc động trước tâm tình của một đứa con Trà Vinh xa quê, một lần "Thơ thẩn bước tôi vào xóm nhỏ/ nhớ nên nhìn thấy cảnh quê hương". Một xóm nhỏ ở vùng đất xa xôi cũng làm dậy lên trong lòng nhà thơ nỗi niềm với những xóm làng bình dị của Trà Vinh quê hương… Những bài thơ như An Bình tên em! Mùa hoa dẻ, Chuyện nấu chè… là những vần thơ đẹp ca ngợi vẻ đẹp cũng như những sản vật của quê hương đất nước. Bên cạnh đó có những bài thơ như là những khúc reo ca của tinh thần lao động kiến thiết đất nước của bao thế hệ như: Bài thơ rau cải, Khi đời rộn tiếng máy bào, máy cưa, Gửi Cốc Thành ….
Trong tập thơ còn có một mảng thơ quan trọng thể hiện những suy tư của nhà thơ về sự hy sinh mất mát của bao người trong hiện thực chiến tranh khốc liệt. Những bài thơ như: Cha tôi xưa hát bài hát này, Có thể nào như thế được mẹ ơi!, Được tin em vào giải phóng quân, Không thể chết một tâm hồn chiến sĩ… đây là những bài thơ đầy xúc động dành cho những con người đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc thiêng liêng.
Cuối tập thơ là lời bạt do nhà thơ Tăng Hữu Thơ viết với những rung cảm đồng điệu sâu sắc. Xin khép lại bài giới thiệu tập thơ bằng những nhận định sâu sắc của nhà thơ Tăng Hữu Thơ về thơ của nhà thơ Thủy Nguyên: "Thơ anh là máu thịt, là tim óc của anh; là tâm tình dịu ngọt và tình yêu đắm say tha thiết dành trọn cho người Mẹ kính yêu, cho quê hương đang chìm trong lửa máu, cho vong linh lớp lớp những chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc, cho những số phận của cộng đồng, cho người yêu, cho thiên nhiên và cho những công trình xây dựng đang được hoài thai cho quê hương đổi thịt thay da".
BÁCH CÁT