04/01/2023 13:33
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC). Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với trên 3.000 đại biểu tham dự.
Tại Trà Vinh, đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chủ hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh; Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; đại diện các ban Đảng Tỉnh ủy, các cơ quan nội chính tỉnh.
Năm 2022, tuy có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Nội chính Đảng đã nỗ lực, cố gắng, chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Nổi bật là:
(1) Tập trung nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án lớn, quan trọng, khó, chuyên môn sâu, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua đúng tiến độ, có chất lượng tốt;
(2) Tham mưu Bộ Chính trị tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTNTC, giai đoạn 2012-2022, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, sự tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về công tác PCTNTC;
(3) Bản lĩnh, quyết liệt, sáng tạo trong tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước tiến mới trong công tác đấu tranh PCTNTC;
(4) Nghiêm túc, trách nhiệm, công tâm, khách quan, thận trọng, đúng quy trình, quy định trong tham gia ý kiến về công tác cán bộ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh. Chất lượng thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản được nâng lên;
(5) Công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đạt được nhiều kết quả tích cực; lần đầu tiên Ban Nội chính Trung ương tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề theo chức năng, nhiệm vụ;
(6) Tham mưu thành lập và triển khai hoạt động của 63 Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh, thành phố tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trong công tác PCTNTC theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; kết quả bước đầu trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành như: công tác tham mưu có lúc, có nơi chưa được chú trọng đúng mức; việc rà soát các kết luận thanh tra kinh tế- xã hội mới chỉ được tiến hành ở các địa phương, chưa được thực hiện đối với các bộ, ngành Trung ương. Công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn có việc còn chưa sâu sát; khả năng phát hiện vấn đề mới ở một số địa phương chưa cao. Việc tham mưu, xử lý đơn thư trong một số trường hợp còn chậm, chưa quan tâm đúng mức. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao. Công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với một số đề án, dự án luật có liên quan còn bị động. Công tác phối hợp giữa ban nội chính với các cơ quan chức năng vẫn còn hình thức. Một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy còn bị động, lúng túng, chưa tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu tham luận chủ yếu tập trung đánh giá và đưa ra nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đề ra để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2023, như: sớm ban hành quy trình tham mưu xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực để các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện thống nhất, đồng bộ trên cả nước. Tăng cường hướng dẫn về hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh. Hướng dẫn cụ thể về tiêu chí phân loại theo cấp độ các doanh mục các vụ án, vụ việc, thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, thành tích ngành Nội chính Đảng đạt được năm 2022. Thời gian tới, đồng chí đề nghị: Tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng. Tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực về PCTN, TC. Nghiên cứu đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN, TC; tổng kết thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về kê khai tài sản; nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ tại cơ quan điều tra trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tham mưu, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của Đảng. Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Tập trung xử lý tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân… |
Tin, ảnh: SƠN TUYỀN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1294/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.