25/10/2022 13:41
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (thứ ba, từ phải sang).
Trong năm 2022, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động mạnh vượt qua khỏi khả năng dự báo. Tình hình dịch bệnh phức tạp, một số nước. Giá cả các mặt hàng trong nước tăng, nguồn cung xăng dầu biến động, hạn hán ở một số nơi ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2022.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, địa phương, sự đồng thuận của Nhân dân Việt Nam đã đảo chiều, kịp thời điều hành, ứng phó với những thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng, cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu được giao. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực; GDP 09 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ; quý III tăng 13,67%, ước cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 8%, dự kiến mức cao nhất thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Chính phủ một số nội dung như: thực trạng cung cấp xăng dầu, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời; làm rõ tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu (khi giá xăng, dầu giảm nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao), đặc biệt các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Vấn đề tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn hạn chế, tình trạng viên chức ngành y thôi việc hoặc bỏ việc, từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám bệnh, chữa bệnh khu vực công gây lo ngại cho dư luận xã hội sau thời gian dài chống dịch Covid-19.
“Tôi thống nhất cao với ý kiến của đại biểu Trần Quốc Tuấn về đề xuất Chính phủ tăng lương cơ sở từ ngày 01/01/2023” - đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga nhấn mạnh.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga cho rằng, về lĩnh vực văn hóa giáo dục vẫn còn một số hạn chế, bất cập như việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết khắc phục triệt để, một số nơi bị động trong nguồn tuyển giáo viên, đời sống một bộ phận giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện dạy học chưa đồng bộ, đầy đủ. Chất lượng một số sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn có mặt hạn chế vì phát hành sách ở nhiều địa phương còn bất cập gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Còn hiện tượng lạm thu một số quỹ phụ huynh học sinh đầu năm học, tạo gánh nặng lớn đối với gia đình khó khăn. Vẫn còn xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, đuối nước, tai nạn gây tử vong trẻ em, tình trạng trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần có nguy cơ gia tăng… Vì vậy đề xuất phân bổ ngân sách năm 2023, cân đối theo Luật Ngân sách, cần quan tâm, bố trí ngân sách cho lĩnh vực văn hóa giáo dục và lĩnh vực y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chựng lại và giảm đột ngột, tính đến ngày 30/9/2022 tỷ lệ bao phủ BHYT là 87,42% dân số. Không có thẻ BHYT sẽ khiến người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức sẽ gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình và bảo đảm an sinh xã hội; trình trạng chậm thanh toán, bổ sung chi phí khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2018 cho đến nay chưa được giải quyết kịp thời... Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định về áp dụng mức thanh toán quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP trong việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh để đảm bảo phù hợp với quy định Luật Bảo hiểm y tế và các luật khác liên quan.
Đặc biệt, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành vấn đề cử tri tỉnh Trà Vinh quan tâm, đó là chế độ chính sách đối với xã được công nhận xã an toàn khu. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện các chính sách theo Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhất là chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân trong các xã an toàn khu, góp phần đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trong năm 2022.
* Ngày 21/3/2019 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 05 xã An toàn khu tại tỉnh Trà Vinh. Theo đó, Quyết định công nhận 05 xã An toàn khu gồm: An Trường, An Trường A, Đại Phúc, Đại Phước, Đức Mỹ thuộc huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh là xã An toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. * Ngày 20/7/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 859/QĐ-TTg công nhận xã An toàn khu tại tỉnh Trà Vinh. Quyết định công nhận 07 xã An toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gồm: xã Nhị Long, Nhị Long Phú (huyện Càng Long); xã Ninh Thới (huyện Cầu Kè); xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang); xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải); xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải). Như vậy, đến nay tỉnh Trà Vinh có 12 xã được công nhận xã An toàn khu. |
Báo Trà Vinh Online
Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” là dịp để lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua.