01/05/2022 05:44
Bà Trần Thị Kim Phượng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối cho biết: chuyến về nguồn lần này, đoàn đến thăm Khu Di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu và tham quan một số công trình trên địa bàn thị xã Duyên Hải. Hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, công chức của đơn vị.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khu Di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.
Di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu thuộc ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải. Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu là một mắc xích quan trọng, một kỳ tích trong cuộc kháng chiến. Tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 15 vạch rõ phương pháp cách mạng trong giai đoạn mới là đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang. Để chi viện cho cách mạng miền Nam, tháng 7/1959 Bộ Chính trị quyết định mở con đường vận tải quân sự trên biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đầu năm 1961, Trung ương chỉ thị cho các tỉnh: Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau chuẩn bị bến bãi và tổ chức tàu thuyền ra Bắc, vừa thăm dò mở đường vừa nghiên cứu tình hình địch, nghiên cứu phương tiện vận chuyển và nếu có điều kiện thì chở vũ khí về Nam.
Chấp hành chỉ thị của Trung ương, 17 giờ ngày 03/8/1961, tàu của Trà Vinh chạy bằng buồm cánh dơi có 07 đồng chí gồm: Trần Văn Mao, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Châm, Lê Thanh Lòng, Hồ Văn In, Nguyễn Văn Tôi và Lê Văn Hòa do đồng chí Lê Thanh Lòng làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Hồ Văn In làm thuyền trưởng lên đường ra Bắc.
Trong khi ở miền Bắc, Bộ Tổng tham mưu - Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 đang tích cực chuẩn bị cho chuyến tàu đầu tiên thì ở miền Nam ngày 19/9/1962, đồng chí Phạm Thái Bường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam ra quyết định thành lập Đoàn 962, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục và sự quản lý các bến trên địa bàn lãnh thổ của các Khu ủy 7, 8, 9. Đoàn 962 tổ chức tương đương một sư đoàn. Phương châm xây dựng là đi từng bước chắc chắn, khi nào hội tụ đầy đủ điều kiện của một bến tiếp nhận thì mới báo cáo về Bộ để đón tàu vào.
Đại biểu tham quan Nhà trưng bày khu Di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.
Chuẩn bị cho việc tiếp nhận khí tài Tỉnh ủy Trà Vinh khẩn trương xây dựng bến. Cụm bến tổ chức ở 02 xã Long Vĩnh và Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải. Cụm bến 1 thuộc khu vực vàm Rạch Cỏ - La Ghi, cụm bến 2 thuộc khu vực Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước. Bến Trà Vinh do đồng chí Lê Văn Sến (Năm Sến) - Phó Chính ủy Đoàn 962 trực tiếp phụ trách.
Ngày 17/3/1963, chuyến tàu sắt đầu tiên do thuyền trưởng Đinh Đạt phụ trách vào Phước Thiện cập cụm bến 2 của Trà Vinh. Cũng năm 1963, chuyến tàu thứ hai vào vàm Láng Nước cập bến Ba Dinh chở về 70 tấn hàng chủ yếu là vũ khí. Tính chung từ ngày mở đường đến khi ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng bến Trà Vinh đón 16 chuyến tàu với 680 tấn hàng. Riêng bến Cồn Tàu đón 10 chuyến, trong đó năm 1963 đón 04 chuyến, năm 1964 đón 06 chuyến.
Ngày 19/02/2004, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 02/QĐ-BVHTT xếp hạng Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (Đường Hồ Chí Minh trên biển) là di tích quốc gia thuộc loại hình di tích lịch sử.
Cũng trong chuyến về nguồn lần này, đoàn đến tham quan Công trình Điện gió và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải trên địa bàn thị xã Duyên Hải.
Đoàn đến tham quan tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải.
Tin, ảnh: KIM LOAN
Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” là dịp để lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua.