06/04/2023 07:12
Quang cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre Cao Minh Đức thông tin về hướng tuyến, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, các phương án thực hiện… tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.
Theo đó, dự kiến dự án có điểm đầu là Km0+000 tại ranh giới giữa tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trên sông Cửa Đại (thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) và điểm cuối là Km47+200 tại ranh giới giữa tỉnh Bến Tre và Trà Vinh trên sông Cổ Chiên (thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).
Trong đó, phương án được đề xuất chọn với quy mô chiều dài tuyến khoảng 38km gồm phần đường, cầu Hàm Luông 2 và các cầu nhỏ.
Tổng mức đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng. Cơ cấu vốn bao gồm: vốn vay ODA theo cơ cấu vốn ngân sách Trung ương cấp phát 90% và địa phương vay lại 10%.
Riêng dự án cầu Cửa Đại (giáp Tiền Giang) và cầu Cổ Chiên 2 (giáp Trà Vinh) đề xuất Trung ương đầu tư. Đồng thời, dự án cầu Ba Lai 8 và 10km đường bộ với vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ được đầu tư vốn trung hạn của Trung ương (chuyển từ dự án cầu Bình Thới sang).
Tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (đồng hành với tư cách nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược của tỉnh Bến Tre) và các đại biểu trong tổ giúp việc đề xuất phương án đầu tư, phạm vi thực hiện dự án, hướng tuyến… để thực hiện dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, việc thúc đẩy nhanh dự án tuyến đường ven biển nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh có ý nghĩa rất lớn. Hiện tại, quốc lộ 60 đang ách tắc ở cầu Rạch Miễu.
Tới đây, cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh với Sóc Trăng được xây dựng sẽ gây áp lực lớn hơn cho quốc lộ 60. Tuyến đường ven biển có lợi ích chiến lược đối với Bến Tre giải quyết căn bản cho giao thông địa phương và các tỉnh khác trong khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu các ngành cần khẩn trương, nhanh và chốt lại nội dung về hướng tuyến, điểm đấu nối Tiền Giang và Trà Vinh làm cơ sở thực hiện dự án; ứng dụng công nghệ số trong việc định vị, cơ sở triển khai giải phóng mặt bằng.
Thống nhất phương thức đầu tư tổ hợp: đầu tư công, vay ODA, hợp tác công tư (PPP). Triển khai đồng bộ, đồng loạt để hoàn tất hồ sơ xây dựng cầu Ba Lai 8 và 10km đường bằng vốn đầu tư công của Trung ương.
Đề xuất cùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhất quán cơ chế vay vốn ODA sớm trình Chính phủ phê duyệt dự án vào tháng 6/2023 và phê duyệt chủ trương đầu tư chậm nhất tháng 12/2023.
Theo nhandan.vn
Chiều 28/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.