05/04/2021 08:27
Điểm qua một số nội dung đáng chú ý của Luật Khoáng sản năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tại khoản 1, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm: cát các loại có hàm lượng SiO2 <85%, không có hoặc có các khoáng vật đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại đất sét không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi-măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khác, như: đá cát kết, đá có hàm lượng SiO2<85%; đá trầm tích các loại, đá magma, đá biến chất không chứa hoặc có chứa các khoáng sản kim loại…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chủ yếu là cát sông, cát biển, đất sét và đất cát giồng.
Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản của tổ chức, cá nhân được quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 17 của Luật Khoáng sản, cụ thể: tổ chức, cá nhận hoạt động khoáng sản có trách nhiệm, khi thăm dò phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thầm quyền cấp phép; khi khai thác phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng, không được tự ý khai thác.
Bên cạnh, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ có quy định: đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp bị xử phạt thấp nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với khoáng sản có giá trị dưới 01 triệu đồng, cao nhất là phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với khoáng sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; đồng thời, tịch thu tang vật VPHC và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác. Tại điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 02m; phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép (theo bề mặt) khai thác từ 100m đến dưới 200m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 02m đến dưới 05m…
Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 06 tháng đến dưới 15 tháng. Đồng thời, buộc cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn; đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ còn phải đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra; nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản do thực hiện VPHC đối với hành vi vi phạm, buộc trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm.
Tại điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, cụ thể:
- Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%; đã bị xử phạt VPHC về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1,5 - 05 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm: thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 01 tỷ đồng trở lên; có tổ chức; gây sự cố môi trường; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt VPHC về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1,5 - 03 tỷ đồng.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 03 - 07 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
HỒ GIANG
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.