15/07/2020 14:44
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền, sinh ngày 15/07/1910, tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là Xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, địa linh sinh hào kiệt anh tài, làm rạng danh truyền thống trên cả 02 phương diện võ công và văn nghiệp. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là hậu duệ đời thứ 15 của Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.
Với 75 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục cả 03 miền Trung, Nam, Bắc, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1930, đồng chí tham gia Đảng Cộng sản Dông Dương. Năm 1931, là Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc. Tháng 5/1945, tham gia vận động khởi nghĩa ở Vinh và ở Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Khu V, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ.
Tháng 02/1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành (BCH) Trung ương; tháng 8/1955, được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1956, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.
Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Tháng 4/1965, được phân công giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháng 12/1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương Đảng và được phân công làm Thường trực Ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính Phủ.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh-Nhà ngoại giao tài năng của Đảng và Nhà nước
Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ký hiệp định Paris. |
Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã để lại dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt là trên mặt trận ngoại giao. Đó là việc ký kết Hiệp định Pa-ri kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 4/1965, trước yêu cầu mới của cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây là thời kỳ thử thách gay go nhất kể từ khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc; là thời kỳ chúng ta thực hiện đường lối đấu tranh cách mạng miền Nam trên cả 03 mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.
Với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao bao gồm đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao Nhân dân. Tháng 01/1967, Hội nghị lần thứ 13 BCH Trung ương Đảng (khóa III) đề ra chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao vận dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh” để cùng các mặt trận quân sự và chính trị tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi. Người dân cả nước đã nức lòng khi người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ra Tuyên bố ngày 28/01/1967, nêu rõ: Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện.
Cuộc đàm phán Pa-ri về Việt Nam từ tháng 5/1968 đến tháng 01/1973 là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX. Sau gần 05 năm đấu tranh bằng trí tuệ và bản lĩnh với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc. Ngày 27/01/1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của đàm phán Pa-ri và Hiệp định Pa-ri đã buộc quân Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ xây dựng lại đất nước sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá, ngành ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và cộng đồng thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Ngày 21/7/1977, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại Trụ sở Liên hợp quốc và cũng chính đồng chí đã kiến tạo các chuyến thăm của lãnh đạo nước ta với các nước trong khu vực dẫn tới việc Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN.
TÒA SOẠN
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.