21/11/2024 20:31
Đại biểu các tỉnh, thành tham dự Hội nghị.
Đến tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam; Trần Việt Phường, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL; Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL; Nguyễn Lâm Nguyên, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Lãnh đạo chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành; lãnh đạo ngành du lịch các địa phương khu vực ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, thành phố Hải Phòng… và trên 150 doanh nghiệp, công ty lữ hành các tỉnh, thành. Đây là hoạt động nhằm tăng cường mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa ĐBSCL với các tỉnh, thành vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Bắc Bộ.
Đồng chí Nguyễn Lâm Nguyên, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng Hội nghị và đề nghị các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh nghiên cứu, chào bán các sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL.
Cùng với nỗ lực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác, ĐBSCL đã có bước phát triển khá, đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. ĐBSCL có cảnh quan sinh thái đặc trưng là vùng đồng bằng và biển, đảo, một vùng sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời.
Đồng chí Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch ĐBSCL từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển, đảo, mice (là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp… là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng ĐBSCL.
Đại diện các doanh nghiệp du lịch và công ty lữ hành khu vực phía Bắc tham dự Hội nghị.
Từ đó, 06 tháng đầu năm 2024, tổng số khách đến ĐBSCL đạt gần 30 triệu lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch trên 34,8 ngàn tỷ đồng, tăng 33,02% so với cùng kỳ 2023.
Riêng Trà Vinh, tổng lượt khách đến trong năm 2024 ước đạt trên 3,8 triệu lượt, tăng 79% so năm 2023, trong đó khách quốc tế có trên 75.700 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Bà Võ Thị Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Dich vụ - Du lịch - Lữ hành Minh Khoa giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và các chương trình du lịch tỉnh Trà Vinh.
Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên theo đồng chí Dương Hoàng Sum ngành du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành cũng như các vùng miền trong cả nước. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Đồng chí Dương Hoàng Sum khẳng định, các tỉnh, thành ĐBSCL rất chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là đối với thị trường du lịch các tỉnh miền Bắc.
Đồng chí Ngô Tổng Trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh.
Theo đó, tại Hội nghị đại biểu được lãnh đạo Hiệp hội du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch giới thiệu, quảng bá những thế mạnh, đặc trưng về du lịch của địa phương, đơn vị mình. Qua đó, giúp các công ty lữ hành có dịp tìm hiểu, phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá cao Hội nghị này và mong các khu vực khác học tập, phát huy cách làm của ĐBSCL.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, đây là hoạt động rất có ý nghĩa để thúc đẩy ngành du lịch 02 khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành phía Bắc nói riêng cũng như du lịch Việt Nam phát triển tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Vũ Thế Bình lưu ý, các doanh nghiệp cần đi vào chiều sâu với những khác biệt về sản phẩm du lịch để khai thác, tạo ra sự hấp dẫn du khách. Đặc biệt, cần gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp và Hiệp hội du lịch nhằm tạo ra sự hài hòa chung cùng phát triển.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Trong khi đó, trong phần phát biểu chỉ đạo Hội nghị ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao lợi thế, tiềm năng của du lịch 02 vùng ĐBSCL và khu vực đồng bằng sông Hồng. Ông Phạm Văn Thủy đề nghị Hiệp hội du lịch ĐBSCL cần gắn kết cả vùng trong phát triển du lịch. Cần thay đổi quan niệm khi khách đến 01 địa phương nào đó đồng nghĩa với cả khu vực cùng hưởng lợi. Để từ đó tất cả các tỉnh, thành đều hợp tác cùng phát triển.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đánh giá cao kho tàng độc đáo về bản sắc văn hóa khu vực ĐBSCL. Để phát triển tốt hơn nữa, các cơ quan báo chí ở mỗi tỉnh, thành cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về du lịch để quảng bá đan xen các vùng, miền trong cả nước. Đặc biệt, ông Phạm Văn Thủy mong muốn từng địa phương khu vực ĐBSCL cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc (về món ăn, điểm đến…). Từ đó, có thể xem các sản phẩm du lịch đó là của vùng chứ không phải riêng của tỉnh nào.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp từ các doanh nghiệp du lịch trong thời gian qua và hy vọng trong thời gian tới ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển cao hơn nữa để xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn phát triển đất nước.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL phát biểu tổng kết Hội nghị và tiếp thu ý kiến đại biểu.
Dịp này, Ban tổ chức Hội nghị tiến hành lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội du lịch ĐBSCL và Hiệp hội du lịch đồng bằng Sông Hồng; Ký kết giữa doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL và các doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phía Bắc.
Nghi thức ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội du lịch ĐBSCL và Hiệp hội du lịch đồng bằng Sông Hồng.
Lễ ký kết giữa doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL và các doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phía Bắc.
Tại hội nghị, thừa ủy quyền của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, đồng chí Dương Hoàng Sum trao số tiền 500 triệu đồng hỗ trợ đồng bào tỉnh Quảng Ninh khắc phục ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra vào tháng 9/2024.
Đồng chí Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh (bên phải) thừa ủy quyền lãnh đạo tỉnh trao tượng trưng số tiền 500 triệu đồng giúp đồng bào tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả bão số 3.
Huỳnh Như với bài ca cổ “Hương sắc miền Tây” trong phần văn nghệ chào mừng Hội nghị.
Tiết mục múa “Cánh cung” do diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh biểu diễn chào mừng hội nghị.
Đại biểu tìm hiểu sản phẩm du lịch tỉnh Cà Mau trưng bày tại Hội nghị.
Gian trưng bày sản phẩm du lịch tỉnh Trà Vinh tại hội nghị thu hút sự quan tâm của đại biểu.
Đại biểu nữ thích thú sản phẩm khăn rằn đặc trưng của người dân Nam Bộ.
Tin, ảnh: BÁ THI
Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 20/11/2024 đến 17 giờ ngày 20/12/2024; chấm chọn cuối tháng 12/2024; bắt đầu sử dụng chính thức từ ngày 01/01/2025.