20/07/2023 13:44
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có đồng chí Lâm Sáng Tươi, Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh; trưởng, phó phòng các phòng thuộc Sở Tư pháp; Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.
Trong 06 tháng năm 2023, ngành tư pháp đã bám sát chỉ đạo, quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương, hầu hết các lĩnh vực của bộ, ngành tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Nổi bật, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, ban hành 186 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); các địa phương ban hành 1.540 văn bản QPPL cấp tỉnh. Bộ Tư pháp thẩm định 15 đề nghị xây dựng văn bản và 73 dự án, dự thảo văn bản QPPL; các Sở Tư pháp thẩm định 198 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 2.030 dự thảo văn bản QPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 1.212 dự thảo văn bản QPPL.
Công tác pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã thẩm định 18 điều ước quốc tế; góp ý 118 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế; cấp 02 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả, tổ chức trên 209.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho trên 18 triệu lượt người; tổ chức 3.308 cuộc thi cho 03 triệu lượt người dự thi. Tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đến nay, có 10.086/10.596 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 95,2%.
Công tác hòa giải ở cơ sở đạt trên 79%. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung ghi nhận tổng số hơn 70 triệu dữ liệu hộ tịch các loại... Những kết quả trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Đồng chí Lâm Sáng Tươi tham gia thảo luận tại hội nghị.
Tại tỉnh Trà Vinh, 06 tháng đầu năm 2023, ngành tư pháp đã tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Sở Tư pháp tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 27 văn bản, thẩm định 28 dự thảo văn bản QPPL, đóng góp ý kiến 215 dự thảo văn bản, rà soát 460 văn bản do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành. Tích cực xây dựng xã tiếp cận pháp luật, toàn tỉnh có 103/106 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 97,16%. Sở đã xây dựng và vận hành 03 dự án: phần mềm quản lý dữ liệu chứng thực, công chứng; xây dựng và vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng và triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; dự án số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Triển khai, hướng dẫn thực hiện liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính theo Đề án số 06: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng. Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều đổi mới trong bảo vệ quyền lợi cho đối tượng yếu thế, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tiếp nhận 256 lượt yêu cầu trợ giúp pháp lý, tăng 44 vụ việc so với 06 tháng đầu năm 2022. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, quản lý, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Tại hội nghị, đại biểu Bộ Tư pháp, các tỉnh, thành phố đã trao đổi kinh nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ tư pháp 06 tháng đầu năm, đồng thời làm rõ những khó khăn, đưa ra phương hướng hoạt động 06 tháng cuối năm. Đề ra những kiến nghị nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, thực hiện Đề án số 06 để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tư pháp cả nước. Đồng thời, quán triệt, chỉ đạo ngành tư pháp các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, các bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2023.
Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn, toàn ngành tư pháp thực hiện nghiêm quy định của luật ban hành văn bản QPPL; tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương toàn ngành. Tập trung nguồn lực triển khai Dự án đầu tư công về “Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch” theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Tin, ảnh: SƠN TUYỀN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1294/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.