28/07/2022 05:13
Đại biểu tham dự hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã và thành phố Trà Vinh.
Trong 07 tháng đầu năm 2022, các hoạt động: tín dụng, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ hàng hóa, thương mại dịch vụ tiếp tục phục hồi, tăng khá. Thu ngân sách 07 tháng ước đạt 6.539 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán, tăng 02% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa trên 3.027 tỷ đồng, đạt 63,1% dự toán, cao hơn cùng kỳ 5,1%, một số khoản thu đạt cao so với dự toán và tăng khá so với cùng kỳ như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, các khoản thu về nhà đất...
Tín dụng tăng trưởng khá, ước đến cuối tháng 7/2022 tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt 43.250 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2021; tổng dư nợ cho vay đạt 35.950 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2021.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước 18.433,234 tỷ đồng, đạt 49,4% so kế hoạch, giảm 12,2% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp giảm chủ yếu do chi phối của ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, tổng sản lượng điện sản xuất 07 tháng ước 7,211 tỷ kilowatt giờ, giảm 37,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 34,3% kế hoạch (nếu so với chỉ tiêu Bộ Công thương giao đạt 43,8%), trong những tháng đầu năm 2022, Trung ương tiết giảm sản lượng điện, giá than đá nhập khẩu tăng cao…
Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi sản xuất, có nhiều đơn hàng nên sản lượng tăng so với cùng kỳ như: giày thành phẩm gấp đôi cùng kỳ, đường kết tăng 37,7%, thuốc viên các loại tăng 31,7%, túi xách các loại tăng 26,5%, gạo xay xát tăng 19,8%, bộ truyền dẫn dùng trong ô tô tăng 6,1%... Bên cạnh đó, có một số mặt hàng giảm mạnh như: than hoạt tính giảm 21,9%; thủy sản đông lạnh giảm 17,7%; may mặc giảm 6,3%...
Về đầu tư, xây dựng cơ bản, tổng kế hoạch vốn năm 2022 là 3.539,754 tỷ đồng, đến 15/7/2022 giải ngân 1.259 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 29,9% kế hoạch). Trong đó, kế hoạch vốn giao đầu năm 2022: giải ngân 1.253,083 tỷ đồng/3.322,992 tỷ đồng, đạt 37,7% kế hoạch; kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang năm 2022 đã giải ngân 5,937 tỷ đồng/216,762 tỷ đồng, đạt 2,7% kế hoạch.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có dấu hiệu tái phát; công tác phòng, ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo những thuận lợi, khó khăn và tiến độ XDNTM trên địa bàn các huyện, tiến độ thực hiện các sản phẩm OCOP…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn nhấn mạnh: dịch bệnh Covid-19 tuy được kiểm soát, song đang có dấu hiệu tăng trở lại. Do đó, không chủ quan, lơ là, tăng cường tuyên truyền, vận động và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn phát biểu kết luận hội nghị.
Về lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành cần tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và đầu tư công năm 2023. Hoàn thiện quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định các quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch chung đô thị, đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Trà Vinh; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Trà Vinh đến năm 2030. Triển khai thực hiện các nghị quyết sau kỳ họp thứ 4 (chuyên đề) và kỳ họp giữa năm 2022 - HĐND tỉnh khóa X.
Đặc biệt, tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, giải ngân nhanh, đúng quy định các Chương trình mục tiêu khi được Trung ương phân bổ vốn.
Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương tự rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của năm 2022, sớm có kế hoạch chỉ đạo, “tăng tốc” để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra trong năm 2022; làm cơ sở thực hiện thắng lợi cho cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1539/QĐ-TTg, ngày 10/12/2024 phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.