13/10/2020 09:15
Bài 1: Sức bật từ những dự án phục vụ sản xuất nông - ngư nghiệp
Là tỉnh có thế mạnh sản xuất nông - ngư nghiệp, 05 năm qua từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và huy động sức dân đã có nhiều dự án được đầu tư, góp phần tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy kinh - tế xã hội của tỉnh phát triển.
Nông dân Trần Hoàng Phúc (người ngồi giữa), ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang kiểm tra tôm nuôi.
Theo thông tin từ Phòng Quản lý xây dựng công trình thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đầu tư 59 dự án phục vụ sản xuất, trong đó có 43 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, những dự án còn lại chậm tiến độ do một số dự án chưa được kịp thời bố trí vốn theo tiến độ dự án ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế, những công trình xây dựng kè biển có tính đặc thù thi công theo mùa…
05 năm qua, dự án phục vụ nuôi thủy sản và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của người dân ở các huyện ven biển Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Cầu Ngang hưởng lợi không ít những dự án phục vụ sản xuất và nuôi thủy sản như: dự án hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất 350ha xã Hiệp Mỹ Đông; thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản 800ha cánh đồng Trà Côn; thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản Đồng Đon (huyện Cầu Ngang - Duyên Hải); đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản cánh đồng Năng xã Long Sơn; nuôi tôm công nghiệp xã Hiệp Mỹ Tây - Hiệp Mỹ Đông; hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản Tầm Vu Lộ thuộc xã Hiệp Mỹ Tây - Thạnh Hòa Sơn; thủy lợi Rẩy Cá Kèo phục vụ nuôi thủy sản xã Mỹ Long Nam; hồ chứa nước thí điểm cung cấp nước tưới tiêu xã Long Sơn, tổng kinh phí trị giá gần 628 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư một số dự án đê biển cửa sông Cổ Chiên bảo vệ khu dân cư thị trấn Mỹ Long, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá cửa cung Hầu; đầu tư bổ sung hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản cánh đồng Trà Côn - cánh đồng Tây của huyện.
Xã Long Sơn được ưu tiên đầu tư 02 dự án: đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản cánh đồng Năng (dự án cánh đồng Năng) và hồ chứa nước thí điểm cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trồng trọt. Đối với dự án cánh đồng Năng đầu tư 121,255 tỷ đồng phục vụ Nhân dân tại 02 ấp Sơn Lang và La Bang của xã Long Sơn, quy mô gần 600ha, với 450 hộ. Mục tiêu của dự án nhằm tạo đột phá nuôi tôm của huyện Cầu Ngang ngày càng phát triển. Tuy dự án cánh đồng Năng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng diện tích nuôi thủy sản khu vực này chưa có nhiều chuyển biến, do vốn đầu tư nuôi tôm cao, trong khi giá tôm biến động không ngừng, nên người dân còn e ngại chưa mạnh dạn thực hiện chuyển đổi đất lúa sang nuôi thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Đực, Trưởng Ban Nhân dân ấp La Bang, xã Long Sơn cho biết: ấp có diện tích tự nhiên 347,4ha, trong đó có 190ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất 01 vụ lúa ăn chắc (vụ thu đông - mùa) và khai thác tôm cá tự nhiên tại các kênh, mương thủy lợi. Đầu năm 2014, ấp được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản cánh đồng Năng, không chỉ riêng gia đình ông nhiều hộ dân ở đây đồng thuận và hưởng ứng cao, nhất là hệ thống điện 3 pha và giao thông nông thôn được đal hóa phục vụ đời sống dân sinh và nuôi thủy sản thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, do vốn đầu tư chi phí nuôi tôm nhiều, tính rủi ro cao, giá tôm biến động, lợi nhuận bấp bênh, người dân chưa mặn mà với nghề nuôi thủy sản nên diện tích lúa trên địa bàn ấp còn duy trì sản xuất 75ha. Ngoài diện tích lúa, một số hộ dân có điều kiện mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp chủ yếu tôm sú, tôm thẻ chân trắng, số hộ ít vốn chuyển diện tích lúa sang nuôi tôm càng xanh toàn đực nhằm cải thiện cuộc sống thúc đẩy kinh tế gia đình.
Với ông Đực, từ khi thực hiện chuyển đổi 02ha đất lúa sang đào ao nuôi tôm công nghiệp, lợi nhuận hàng năm trên 200 triệu đồng. Riêng vụ tôm sú, tôm thẻ chân trắng năm 2020 tổng thu nhập 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Hiện nay ông Đực tiếp tục thả nuôi 08 ao tôm sú đang phát triển gần 03 tháng.
Nông dân Trần Hoàng Phúc, ngụ cùng ấp thực hiện chuyển đổi 1,6ha đất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Theo ông Phúc, dự án cánh đồng Năng đưa vào sử dụng, giúp người nuôi tôm giảm nhiều chi phí đầu tư nuôi tôm, nhất là hạn chế chi phí dầu chạy máy phục vụ nuôi tôm.
Những năm đầu chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng đạt lợi nhuận khá, 02 năm gần đây giá tôm biến động, dịch bệnh nên không đạt lợi nhuận, có khi bị thua lỗ. Năm 2020, ông chuyển sang nuôi tôm càng xanh bước đầu đạt khả quan. Với 03 ao tôm càng xanh hiện đang phát triển hơn 100 ngày, trọng lượng đạt 35 con/kg, giá bán hiện nay 280.000 đồng/kg, sản lượng ước đạt cuối vụ 800kg, lợi nhuận ước đạt gần 200 triệu đồng.
Dự án cánh đồng Năng tại xã Long Sơn góp phần thoát nước cho khu vực 575ha đất tự nhiên, trong đó có 530ha đất nuôi tôm, đào mới, nạo vét hệ thống kênh mương, đê bao, cống qua đường phục vụ nuôi tôm, xây dựng hệ thống đường đal trên các tuyến kênh, đê bao và cầu phục vụ giao thông nội vùng.
Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: hệ thống hạ tầng cánh đồng Năng khai thông hoàn chỉnh, tạo sức bật mạnh trong phát triển kinh tế của phương, về lâu dài tạo đột phá và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi đến nay chưa đạt yêu cầu do nhiều yếu tố khách quan. Để phát triển vùng nuôi thủy sản lâu dài và bền vững, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xã tổ chức lại sản xuất và kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp vào lĩnh vực thủy sản tại địa phương. Tuy nói là vùng nuôi thủy sản nhưng không thể chỉ độc canh con tôm mà phải xen canh và đa canh con nuôi thủy sản để hạn chế rủi ro. Trong 09 tháng đầu năm 2020, xã có 1.124 lượt hộ thả nuôi gần 230 triệu con tôm sú thâm canh, trên diện tích 805,52ha, đến nay có 790 hộ thu hoạch, trong đó có 369 hộ đạt lợi nhuận từ 50 - 400 triệu đồng.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.