01/03/2021 16:00
Trang bìa quyển sách “Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian”. |
“Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian” là tên quyển sách do Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre đề xuất, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre thực hiện. Ấn phẩm gồm 04 phần: Quê hương - Tuổi thơ và thời niên thiếu; Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; Cộng lực với quê hương và cuộc hành trình Nam - Bắc và phần thứ IV có tựa đề Quê hương - Ngày trở về. Sách dầy 164 trang với khổ in 20 x 29cm do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành vào quý II năm 2015.
Nhân vật chính trong quyển sách, ông Trương Vĩnh Trọng, tên thường gọi Hai Nghĩa, sinh ngày 11/11/1942 tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Từ năm 1960, ông bắt đầu hoạt động bí mật trong phong trào học sinh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Năm 1962, ông thoát ly gia đình, tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và công tác ở Tiểu ban Giáo dục tỉnh Bến Tre. Sau đó, ông Trương Vĩnh Trọng từng kinh qua các chức vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Tại Đại hội Đảng lần X vào năm 2006, ông được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tháng 6/2006, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2011, ông về nghỉ hưu tại quê nhà huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Lần đọc từng trang trong quyển sách “Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian” với 04 phần như đã nêu trên, lại được kết nối, sắp xếp theo trình tự thời gian, giúp người đọc được tiếp cận nhiều thông tin, hình ảnh quý về một vị lãnh đạo gương mẫu. Trong đó, có những hình ảnh, tư liệu ông hoạt động tại Trà Vinh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với bạn bè quốc tế… được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách khác nhau, nhưng dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào từ địa phương đến Trung ương, ông vẫn luôn là người được mọi người kính trọng, quý mến. Ông Trương Vĩnh Trọng là một cán bộ luôn sôi nổi, quyết tâm, trách nhiệm cao và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc sống đời thường, ông luôn gần gũi, chân thành, vị tha với nhiều người kể cả khi còn đương chức hoặc lúc đã về hưu.
Đặc biệt, trong lời giới thiệu của quyển sách đề ngày 15/9/2014, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chủ tịch Quốc hội) có đoạn viết: “Việc các đơn vị phối hợp xuất bản ấn phẩm văn hóa “Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian” thật thấu lý, đạt tình, bởi anh sống theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Phong cách, phẩm chất, đạo đức của anh rất xứng đáng để xã hội tôn vinh và để chúng ta học tập, noi theo”.
Ông Trương Vĩnh Trọng đã trút hơi thở cuối cùng lúc 03 giờ 25 phút ngày 19/02/2021 tại quê nhà Bến Tre sau thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người, nhưng những tư liệu, những hình ảnh về ông từ quyển sách “Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian” như sống mãi với mỗi chúng ta.
Bài, ảnh: BÁ THI
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.