24/01/2023 09:11
Bà Đoàn Thị Nghĩ, chủ Cơ sở Cốm ống Chí Quốc, xã Mỹ Cẩm với sản phẩm cốm ống đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Đồng chí Nguyễn Văn Á, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long cho biết, huyện Càng Long rất chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, năm 2022, huyện tập trung xây dựng, phát triển và có 10 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP, tăng 07 sản phẩm so với năm 2021 và tăng 08 sản phẩm so với năm 2020.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã 01 sản phẩm OCOP”, từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Càng Long định hướng cho các địa phương, tổ chức, cá nhân lựa chọn sản phẩm nổi trội, có thế mạnh, đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, ngành chuyên môn thường xuyên trao đổi, giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình OCOP với các chủ thể, cử chuyên viên nông nghiệp xuống cơ sở tư vấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thành hồ sơ biểu mẫu, các yêu cầu pháp lý, hồ sơ minh chứng đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; đồng thời tổ chức các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các chủ thể nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chương trình OCOP, gắn với chương trình XDNTM trên địa bàn huyện.
Ông Dương Thành Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch An Tâm Food (Ấp 3, xã An Trường), chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao nước mắm cá cơm An Tâm Food (được công nhận theo Quyết định số 1693/QĐ-UBND, ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh) cho biết: được sự quan tâm của các cấp, các ngành huyện Càng Long nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung, sản phẩm nước mắm cá cơm An Tâm Food của công ty đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, bản thân rất phấn khởi. Việc tham gia chương trình OCOP mở ra cơ hội cho công ty, nhờ sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến nên nhanh chóng tiếp cận thị trường.
Bà Đoàn Thị Nghĩ, chủ Cơ sở Cốm ống Chí Quốc, ấp Số 5, xã Mỹ Cẩm cho biết: cơ sở có sản phẩm cốm ống đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 và sản phẩm cốm gạo đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Bản thân rất phấn khởi khi tham gia chương trình sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình, sản phẩm của cơ sở ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã, thị trường tiêu thị ngày càng được mở rộng, mang lại doanh thu hàng năm rất khả quan.
Ông Dương Thành Tâm (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch An Tâm Food (Ấp 3, xã An Trường) giới thiệu sản phẩm nước mắm cá cơm của công ty với cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long và cán bộ nông nghiệp xã An Trường.
Đồng chí Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long cho biết: thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 13/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các chủ thể kinh tế và Nhân dân về sự cần thiết, tính cấp bách đối với công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và Chương trình OCOP.
Quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương về thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho cán bộ, đảng viên; đồng thời phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân thực hiện, khẳng định đây là việc phải làm, là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài huyện và xuất khẩu, góp phần phải triển kinh tế của huyện, nâng cao chất lượng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm đạt OCOP có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, chú trọng việc đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài huyện. Tăng cường liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP hộ gia đình, cấp xã, cấp huyện, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm hàng hóa chủ lực như: hỗ trợ tư vấn tạo lập, đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ; áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch, xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP nhằm tạo ý thức và thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm OCOP một cách rộng rãi, vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất lớn, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện để thúc đẩy và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm có lợi thế của huyện, phấn đấu hàng năm có ít nhất 04 sản phẩm được công nhận, đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm đã được công nhận.
15 sản phẩm OCOP của huyện Càng Long (1) Viên uống đẹp da DOPHA BEAUTY của Công ty TNHH Đồng Phát Dophaco (xã Mỹ Cẩm); (2) Tinh dầu gấc (xã Mỹ Cẩm); (3) Cốm ống (xã Mỹ Cẩm); (4) Cốm gạo (xã Mỹ Cẩm); (5) Thảm sơ dừa (xã Đức Mỹ); (6) Đàn guitar phím lõm (xã Đại Phước); (7) Rượu sâm bố chính (thị trấn Càng Long); (8) Rượu sâm đinh lăng (thị trấn Càng Long); (9) Quýt đường (xã Bình Phú); (10) Gạo tím Huyền Hội (xã Huyền Hội); (11) Gạo sạch thượng hạng (xã Huyền Hội); (12) Bưởi da xanh (xã Đại Phúc); (13) Nước mắm cá cơm (xã An Trường); (14) Rượu nếp Quỳnh Ngọc (xã Mỹ Cẩm); (15) Rượu sâm đại hành (xã Mỹ Cẩm). |
Bài, ảnh: KIM LOAN
Hội chợ thương mại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh sẽ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và du khách đến tham quan mua sắm, góp phần kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng giá trị kinh tế sản phẩm trái dừa sáp của huyện Cầu Kè.