08/01/2022 06:13
Bà Cao Thị Hằng mua quần áo tại chợ đêm mới.
Nỗi lòng của tiểu thương
Hiện vẫn còn một số tiểu thương chưa hài lòng về sự sắp xếp trong việc di dời chợ đêm đến địa điểm mới mà thuê mặt bằng của người dân trong nội ô thành phố Trà Vinh để bày bán. Mặt khác, người dân trong nội ô thành phố Trà Vinh đã tận dụng mặt bằng sẵn có của gia đình để cho các tiểu thương của chợ đêm thuê bày bán hàng hóa nhằm kiếm thu nhập trong mùa dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Với suy nghĩ “đôi bên cùng có lợi”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Kim Phụng, tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn ở chợ đêm bày tỏ: khi có chủ trương di dời chợ đêm đến nơi kinh doanh mới, bà đã chấp hành theo quy định. Để giải quyết khó khăn trước mắt bà thuê mặt bằng nhà dân ở đầu đường 19/5 và Phạm Ngũ Lão để bày bán và sau Tết di dời về địa điểm mới để ổn định lại chỗ bán. Tuy giá thuê mặt bằng hiện tại 03 triệu đồng/tháng nhưng từ ngày bày bán ở đây, khách hàng mua sắm khá ổn định, thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Dù biết rằng bày bán nơi đây làm mất mỹ quan đô thị, nhưng để có thêm thu nhập trang trải những ngày Tết, bà hy vọng bán qua đợt này, sau Tết dời về địa điểm theo quy định.
Sắc màu mới ở khu công nghiệp
Một góc nhìn chợ đêm Trà Vinh ở địa điểm mới.
Đến Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức, không khí nơi đây có phần sinh động hơn so với trước đây. Không chỉ vậy, không gian dành cho người bán và người mua rộng rãi thoáng mát hơn. Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thị Hằng, người dân ấp Long Bình, Phường 4, thành phố Trà Vinh cho biết: chợ đêm dời về đây náo nhiệt hơn, người dân mua sắm tiện lợi hơn, nhất là khu vực bày bán rộng rãi, người mua dễ dàng lựa chọn. Buổi chiều hàng tuần, bà thường chạy xe đi dạo các con đường ở KCN vừa thư giãn, vừa tiện cho con cháu đến chợ đêm tham quan và mua sắm khá tiện lợi.
Hiện nay, tình hình hoạt động chợ đêm cơ bản đi vào nề nếp, nhưng việc kinh doanh của tiểu thương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do di dời địa điểm mới nên mất không ít khách hàng quen. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua giảm 50% so với trước đây.
Tiểu thương Văn Hà Cẩm Tú chuyên kinh doanh quần áo trẻ em ở chợ đêm cho biết: đến địa điểm mới kinh doanh tuy có thêm khách hàng mới, nhưng sức mua giảm đáng kể. Mặt khác, thời gian hoạt động chợ đêm ngắn hơn so với địa điểm cũ, sau 19 giờ công nhân đi làm về hết nên chợ đêm vắng khách. Với lại Tết gần kề nên 15 giờ hàng ngày bà dọn hàng sớm để bày bán. Dời chỗ kinh doanh mới, sức bán không chỉ giảm, tiểu thương còn tốn thêm phí gửi xe hàng hóa ở nhà dân từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Do điều kiện còn khó khăn nên việc đầu tư mái che của các tiểu thương để bày bán hàng hóa không được kiên cố, thời tiết hiện nay nắng nóng cộng với mùa gió chướng nên những sào treo trưng bày quần áo thường xuyên bị ngã.
Tiểu thương Phạm Thị Xuân kinh doanh quần áo tại quầy Uyên Uyên ở chợ đêm cho biết thêm: tình hình kinh doanh tại địa điểm mới cơ bản đã nề nếp, lúc đầu tuy bỡ ngỡ nhưng kinh doanh vài ngày khá ổn định, có thêm khách hàng mới, thu nhập 100.000 - 250.000 đồng/ngày. Từ khi về địa điểm mới kinh doanh, ngoài mặt bằng được bố trí, bà đầu tư mái che (bạt) tạm thời để che nắng, nhưng không chống chọi nổi với sức gió của mùa chướng trong dịp Tết này. Bà Xuân cũng như các tiểu thương chợ đêm hy vọng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ mái che kiên cố giúp tiểu thương giảm bớt khó khăn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Hội chợ thương mại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh sẽ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và du khách đến tham quan mua sắm, góp phần kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng giá trị kinh tế sản phẩm trái dừa sáp của huyện Cầu Kè.