21/01/2024 15:31
Cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP ở Khu di tích Ao Bà Om do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Trà Vinh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng.
Để hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình thực hiện các thủ tục hồ sơ, Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh thành lập nhóm chuyên gia hỗ trợ, tư vấn miễn phí. Đồng thời, ban hành Sổ tay hướng dẫn; đăng ký nhãn hiệu; hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và gian hàng trực tuyến.
Theo đó, các chủ thể hiểu rõ về trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; hồ sơ đăng ký và cách thức tham gia chương trình; cách tiếp cận các chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP, quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; điều kiện và cách tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, gian hàng trực tuyến…
Sổ tay hướng dẫn thể hiện đầy đủ địa chỉ, số điện thoại của ngành chức năng, các chuyên gia từng lĩnh vực để các chủ thể liên hệ khi cần hỗ trợ.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, các cơ sở tham gia chương trình OCOP được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với diện tích tối thiểu là 20m2 (mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng).
Đối với các sản phẩm đạt 3 sao nâng hạng lên 4 sao, tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/sản phẩm; từ 3 sao hoặc 4 sao nâng hạng lên 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia) hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm. Trường hợp sản phẩm đạt dưới 3 sao được nâng lên đạt 5 sao hoặc đạt 5 sao ngay lần xét duyệt đầu tiên thì được hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm.
Cùng đó, tỉnh cũng hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở.
Ngoài ra, các cơ sở tham gia chương trình được hỗ trợ theo quy định Chương trình từ ngân sách Trung ương hàng năm; được tham gia các khóa học, tập huấn về Chương trình OCOP; hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại hội chợ sản phẩm OCOP do bộ, ngành và các tỉnh trong cả nước tổ chức.
Hiện toàn tỉnh có 252 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong này có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 3 sản phẩm 5 sao, 38 sản phẩm 4 sao; 205 sản phẩm 3 sao của 170 chủ thể.
Hơn 4 năm triển khai tại Trà Vinh, Chương trình OCOP đã phát huy tính hiệu quả rõ rệt. Các sản phẩm hàng hóa chất lượng, có lợi thế ở địa phương ngày càng được nâng cao giá trị và có thị trường tiêu thụ ổn định hơn; trong đó, nhiều sản phẩm đã “xuất ngoại” sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Anh... Qua đó, giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tin, ảnh: THANH HÒA
Hội chợ thương mại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh sẽ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và du khách đến tham quan mua sắm, góp phần kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng giá trị kinh tế sản phẩm trái dừa sáp của huyện Cầu Kè.