13/01/2020 09:14
Chôm chôm, một trong những trái cây đặc sản của vùng đất cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân.
Về giao thông, huyện Cầu Kè có Quốc lộ 54 là tuyến trục giao thông chính của huyện cùng với hệ thống đường tỉnh, đường huyện và đường liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa, đáp ứng rất tốt nhu cầu giao thương đi lại. Song song đó, về giao thông đường thủy, huyện nằm cặp ven Sông Hậu có hệ thống sông rạch chằng chịt, thuận lợi về giao thông thủy. Về tiềm năng phát triển du lịch, Cầu Kè có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên đất, hệ thống cồn, cù lao giữa sông, kênh, rạch chằng chịt và phong phú kết hợp với khí hậu đồng bằng cửa sông, ven biển là lợi thế để phát triển du lịch. Bãi tắm của cồn Tân Qui còn hoang sơ, môi trường trong sạch, hệ thống thực vật tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái cửa sông ven biển. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở tôn giáo, điểm tín ngưỡng dân gian của cộng đồng 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa và nhiều lễ, hội truyền thống như: Ok-Om-Bok, Sêne Đolta, Vu Lan thắng hội... Nhà cổ Cầu Kè (Nhà cổ Huỳnh Kỳ) được công nhận di tích cấp tỉnh, điểm tín ngưỡng dân gian Minh Đức Cung được công nhận di tích cấp quốc gia, Khu Tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch), các mô hình du lịch cộng đồng (homestay) là lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh và văn hóa, truyền thống.
Tuy nhiên, những năm qua du lịch Cầu Kè vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh mang tính mùa vụ, sức cạnh tranh thấp, cùng với đó là kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thanh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: Phát triển du lịch được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của huyện. Để tạo bước phát triển du lịch trong thời gian tới; vấn đề kết cấu hạ tầng sẽ được quan tâm đầu tư triển khai nhằm kết nối với các địa điểm du lịch và tạo thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến phà, phà, du thuyền phục vụ du lịch. Thực hiện Đề án quy hoạch và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái cù lao Tân Qui; hình thành các tour du lịch sinh thái gắn với tham quan Nhà cổ Cầu Kè, các cơ sở tín ngưỡng dân gian người Hoa, Khu Tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út, kết nối với các điểm du lịch của các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiếp tục mở rộng phát triển du lịch theo mô hình trải nghiệm thực tế (homestay).
Đầu năm 2019, điện lưới quốc gia vượt Sông Hậu về cồn An Lộc (xã Hòa Tân) đã góp phần làm khởi sắc cho loại hình du lịch sinh thái sông nước kết hợp vườn cây ăn trái ở Cầu Kè thêm đa dạng cùng với cù lao Tân Qui. Ông Trương Văn Đệ, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết: An Lộc có điều kiện về tiềm năng phát triển du lịch, do trước đây An Lộc còn hạn chế về hạ tầng (giao thông, điện…), hiện nay, với việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở đây, địa phương đã định hướng lấy kinh tế vườn ở cồn An Lộc làm chủ đạo để gắn kết với du lịch sinh thái, tạo mối hài hòa trong phát triển cho vùng đất này. Trước mắt, xã vận động 02-03 hộ có điều kiện kinh tế để triển khai mô hình du lịch homestay…
Trung bình mỗi năm cồn Tân Qui đón khoảng 24.000 lượt khách vào mùa trái cây từ tháng 5 đến tháng 7, phần lớn không lưu trú qua đêm. Huyện đã thí điểm mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Thông Hòa, khách đến lưu trú tại hộ nông dân. Mỗi năm đón trên 100 lượt khách chủ yếu là khách quốc tế (học sinh, sinh viên các nước). Theo “Đề án phát triển du lịch huyện Cầu Kè giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030”, trong này, tập trung da dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương: Du lịch sinh thái, sông nước (tham quan cồn Tân Qui); du lịch thể thao (bơi thuyền, lướt ván, đua ghe ngo, nhảy dù, mô-tô nước…); du lịch văn hóa truyền thống, tâm linh (tham quan các di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích tâm linh, lễ hội…). Quy hoạch và xây dựng 03 cụm du lịch: (1) Cụm du lịch trung tâm cồn Tân Qui - Vàm Bến Cát - Hòa Tân. (2) Cụm trung tâm thị trấn Cầu Kè, quy hoạch xây dựng khách sạn vườn, khu vui chơi giải trí, đường đua ghe ngo, làng văn hóa ẩm thực, trung tâm thương mại, khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng. (3) Cụm du lịch trải nghiệm thực tế (Stays at home): Vận động nhân dân toàn huyện tham gia để du khách đến thực hiện “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. |
Đến cuối năm 2019, thông qua các nguồn vốn của tỉnh, huyện đã đầu tư tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng các tuyến đường bộ phục vụ khai thác tiềm năng du lịch sinh thái cồn Tân Qui, như đường nội ô trung tâm thị trấn Cầu Kè; xây dựng đường nhựa trục giữa cồn Tân Qui… Riêng Hương lộ 32 nối từ Quốc lộ 54 đến khu du lịch sinh thái cồn Tân Qui (dài trên 12km) và nâng cấp, xây dựng mới 03 cây cầu trên Hương lộ 32 có tổng kinh phí trên 57 tỷ đồng, do Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư sẽ triển khai vào quý I/2020. Công trình cống Bông Bót, cống Tân Dinh do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư đã được triển khai thi công, dự kiến đưa vào vận hành trong quý I/2020, có tổng kinh phí đầu tư trên 750 tỷ đồng, qua đó tạo thuận lợi cho khách tham quan về Tân Qui theo hướng Tỉnh lộ 915. Ngoài ra, tại 02 ấp cù lao Tân Qui đã đầu tư xây dựng 25km đường bê-tông; 01 trạm cấp nước sạch; 01 trạm biến áp và điện vượt sông đáp ứng phát triển du lịch.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Hội chợ thương mại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh sẽ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và du khách đến tham quan mua sắm, góp phần kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng giá trị kinh tế sản phẩm trái dừa sáp của huyện Cầu Kè.