21/08/2020 09:58
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm trao giấy chứng nhận đầu tư cho các DN nhân sự kiện Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phát động phong trào thi đua phát triển DN chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh và hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI.
Đối với 10 chỉ số thành phần trong Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2017 - 2019, có sự tăng, giảm không ổn định. Chỉ số thành phần Gia nhập thị trường giúp “đo lường thời gian” một doanh nghiệp (DN) cần để đăng ký kinh doanh, xin cấp đất và nhận các loại giấy phép, hoàn tất các thủ tục cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh. 03 năm qua, chỉ số này biến động rất lớn về thứ hạng, về điểm số sụt giảm trong 02 năm 2017, 2018, nhưng tăng điểm trong năm 2019. Cụ thể, từ 8,18 điểm năm 2017 giảm 0,09 điểm năm 2018 và tăng 0,27 điểm năm 2019. Thứ hạng 16/63 năm 2017; còn hạng 39/63 (giảm 23 bậc) năm 2018 và năm 2019 đạt hạng 26/63 (tăng 13 bậc so với năm 2018). Điều này cho thấy, thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường của DN năm 2019 đã cải thiện. Cải cách, đơn giản thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ như thời gian giải quyết được cắt giảm hơn 30% so với quy định của Trung ương.
Từ những kết quả của 03 năm qua, chỉ số PCI được DN đánh giá số điểm đạt năm sau luôn cao hơn năm trước, cho thấy chất lượng quản lý, điều hành của các địa phương có cải thiện, trong đó 02 chỉ số thành phần là chi phí thời gian, chi phí không chính thức nằm trong nhóm 05 của cả nước.
Mặt khác, công tác triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ được các cấp, các ngành và địa phương triển khai đồng bộ và thực hiện nghiêm túc; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và DN thực hiện cơ chế một cửa tập trung, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại và hạn chế các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp xúc trực tiếp với DN, tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số cao, tỉnh có 03/10 chỉ số thành phần: Đào tạo lao động; Hỗ trợ doanh nghiệp và Tính minh bạch luôn nằm trong nhóm trung bình và thấp so với cả nước, nên đã ảnh hưởng đến kết quả PCI của tỉnh qua các năm. So với mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 04-NQ/TU hiện chưa đạt, đặc biệt, năm 2019 giảm đáng kể về thứ hạng.
UBND tỉnh đánh giá: do sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết các công việc có liên quan đến DN, nhà đầu tư chậm, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư và cơ hội sản xuất, kinh doanh của DN, nhà đầu tư. Trước khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động (từ ngày 12/4/2018), DN phải đi nhiều nơi, thực hiện nhiều loại thủ tục để được cấp các loại giấy phép theo quy định: giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyền sử dụng đất, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết thủ tục hành chính khi nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án. Vai trò cầu nối, thực thi các cơ chế, chính sách và các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư của các cấp, các ngành chậm, chưa tương xứng với vai trò được giao.
Mặt khác, điều kiện hỗ trợ DN, nhà đầu tư sau cấp giấy phép còn khó khăn; các dịch vụ hỗ trợ phát triển DN còn thiếu… ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh. Chất lượng đào tạo và giới thiệu việc làm chưa tốt, công tác đào tạo lao động cho các DN chưa gắn với nhu cầu của DN, nhà đầu tư. Lực lượng lao động dồi dào, song còn thiếu lao động có trình độ quản lý, tay nghề cao.
Từ những ưu điểm cũng như hạn chế, UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ cải thiện PCI chính là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy khu vực tư nhân đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ của tỉnh phát triển; thay đổi phương thức làm việc và tiếp cận DN để kịp thời thấu hiểu những khó khăn thật sự của DN để hỗ trợ.
* Năm 2017, Chỉ số PCI tỉnh xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng vị trí thứ 08/13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với tổng số điểm 61,71, tăng 4,07 điểm và tăng 05 bậc so với năm 2016, thuộc nhóm xếp thứ hạng “Trung bình”. * Năm 2018, Trà Vinh đạt tổng điểm 61,79 điểm, xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng vị trí thứ 12/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, xếp hạng “Trung bình” của cả nước. * Năm 2019, PCI tỉnh Trà Vinh xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng vị trí thứ 13/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, với tổng số điểm 63,20 tăng 1,41 điểm và giảm 12 bậc trên bảng xếp hạng PCI so với năm 2018, thuộc nhóm điều hành “trung bình”. |
Cần xây dựng, các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức đầy đủ cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức về nâng cao chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong thực thi các chính sách, quy định hiện hành để hỗ trợ DN.
Tập trung thực hiện các lĩnh vực liên quan tới hoạt động quản lý kinh tế nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, DN trong và ngoài nước vào tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và định hướng đến 2025; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Trà Vinh.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố hàng năm nhằm cạnh tranh, thi đua trong khối và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh giao Hiệp hội DN tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại DN ít nhất 02 lần/năm nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình thực thi chính sách, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, cũng như giúp chính quyền tỉnh truyền tải những thông tin, quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh đến với cộng đồng DN.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Hội chợ thương mại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh sẽ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và du khách đến tham quan mua sắm, góp phần kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng giá trị kinh tế sản phẩm trái dừa sáp của huyện Cầu Kè.