20/07/2023 18:26
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh.
Chiều ngày 20/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý kiến dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật (quy định). Đồng chí Phan Thăng An, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có các đồng chí: Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan nội chính tỉnh.
Theo dự thảo, Quy định có 04 chương, 09 điều; quy định về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, quy trình, hồ sơ tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Quy định được áp dụng đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong hệ thống chính trị. Quy định không áp dụng đối với các chức danh cấp ủy viên, tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Về nguyên tắc, việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới phải tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật Nhà nước. Khi xem xét tạm đình chỉ phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ, thái độ trong từng trường hợp cụ thể.
Việc quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó có một trong những dấu hiệu, hành vi vi phạm được quy định tại các điều của Quy định này. Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới phải bảo đảm ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực, gây cản trở việc xem xét, xử lý vi phạm đối với cán bộ và bảo đảm giữ gìn uy tín, đoàn kết nội bộ, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thảo luận tại hội nghị.
Tại hội nghị, có 54 ý kiến của đại biểu các Tỉnh ủy, Thành ủy đóng góp các nội dung, như sự cần thiết ban hành Quy định, thảo luận, phân tích, góp ý các nội dung dự thảo Quy định, nhất là tên gọi, các trường hợp tạm đình chỉ công tác; thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác; các chức danh không áp dụng trong Quy định; quyền và trách nhiệm của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác; thời hạn tạm đình chỉ; xem xét, quyết định, công bố thi hành…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thăng An nhấn mạnh: các ý kiến thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với dự thảo Quy định, từ góp ý khái quát, tên gọi đến cốt lõi các chi tiết, từ ngữ, điều, khoản, thể hiện kinh nghiệm ở nhiều môi trường công tác thực tiễn khác nhau.
Đây là vấn đề mới, khó, rất nhạy cảm, tác động đến nhiều mặt, do vậy, các ý kiến là cơ sở để bộ phận soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp. Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo tính khả thi cao khi Quy định được ban hành.
Tin, ảnh: SƠN TUYỀN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1294/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.