06/11/2024 05:31
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Bộ Pháp điển Việt Nam - công cụ tra cứu pháp luật được xây dựng trong 10 năm.
Sự kiện này do Bộ Tư pháp tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Năm 2013 là năm bắt đầu xây dựng Bộ Pháp điển và cũng là năm đầu tiên các bộ, ngành, địa phương thực hiện kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết.
Đến nay, sau 10 năm, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 3 kỳ hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước, trong đó kỳ hệ thống hóa văn bản thứ 3 (2019- 2023) vừa được hoàn thành.
Việc thực hiện hệ thống hóa văn bản đã được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai ngày càng bài bản, khoa học, bảo đảm chính xác, đúng quy định.
Tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật
Cũng sau chặng đường hơn 10 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Bộ Pháp điển điện tử, là sản phẩm chính thức của Nhà nước, là công cụ tra cứu pháp luật một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 và công bố Bộ Pháp điển Việt Nam.
"Hôm nay, chúng ta chính thức công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.
Bộ Pháp điển có vai trò, ý nghĩa, giá trị thiết thực trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của các quy định pháp luật; đồng thời, thông qua việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật, Bộ Pháp điển góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, cập nhật Bộ Pháp điển góp phần nâng cao hiệu quả hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với công tác tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, việc đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, nhiệm vụ này sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm phối hợp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy mạnh số hoá, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo đảm nguồn lực kinh phí phục vụ triển khai hiệu quả các công tác này; thường xuyên cập nhật, quản lý, duy trì kết hợp với truyền thông, giới thiệu và hướng dẫn để từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ Pháp điển.
Quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản pháp luật "đúng, đủ, sạch, sống" vận hành liên tục, ổn định, không chỉ phục vụ việc tra cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch hệ thống pháp luật, mà còn là cơ sở để triển khai hiệu quả các công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, trong xây dựng, hoàn thiện đến tổ chức thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, việc đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) kỳ 3 (2019-2023) trên cả nước cho thấy, tổng số văn bản QPPL ở Trung ương còn hiệu lực là 8.489 văn bản (trong đó có 169 văn bản QPPL được ban hành chỉ có nội dung bãi bỏ văn bản QPPL khác), bao gồm: 290 văn bản của Quốc hội, 82 văn bản của Ủy ban thường vụ Quốc hội, 1.365 văn bản của Chính phủ, 596 văn bản của Thủ tướng Chính phủ, 6.156 văn bản của bộ, ngành.
Tổng số văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ: 4.019 văn bản; hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 1.724 văn bản; cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 760 văn bản.
Đối với văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND cấp tỉnh, có 32.251 văn bản còn hiệu lực; 16.205 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ. Tổng số văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 4.755 văn bản.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu dự lễ công bố Bộ Pháp điển Việt Nam.
Bộ Pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 văn bản QPPL đang còn hiệu lực của cấp Trung ương
Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển. Theo đó, "pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển". Bộ Pháp điển của Nhà nước Việt Nam là Bộ Pháp điển điện tử, được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) phục vụ việc tra cứu, khai thác, sử dụng miễn phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ Pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 văn bản QPPL đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề).
Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic.
Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản được pháp điển vào mỗi đề mục.
Với cách pháp điển như vậy, Bộ Pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật, qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và trình độ pháp lý của người dân ngày càng được nâng cao.
Theo baochinhphu.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1294/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.