10/11/2023 13:32
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dâng hương tại Điện Kính Thiên.
Tham dự lễ khai mạc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh.
Cùng dự còn có hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương; đại diện một số tổ chức quốc tế; các nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tiêu biểu toàn quốc cùng đông đảo nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng các đại biểu dâng hương tại Điện Kính Thiên và thực hiện nghi thức khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt Ban Tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Hoàng thành Thăng Long - quần thể di tích lưu dấu vàng son với nhiều tuyệt tác, chạm khắc tinh xảo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, của Trung ương và các địa phương đã thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước dành cho sự phát triển bền vững của làng nghề, gắn với kinh tế nông thôn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng tại Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, "tài hoa kết tinh thành giá trị", làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đã trải qua lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Bàn tay khéo léo, trí óc sáng tạo của bao thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi đã dày công thổi hồn cho từng tác phẩm độc đáo, tinh tế, chuyển tải di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống của cộng đồng, của dân tộc, vừa có tính ứng dụng gần gũi, vừa có tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng, trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị cốt lõi, thấm đẫm tình đất, tình người. Nếu các thiết bị điện tử, sản phẩm công nghệ được xem là biểu hiện của sự năng động về mặt khoa học kỹ thuật của các quốc gia thì tác phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề chính là nét tinh hoa khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hóa, xã hội đậm đà bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.
Hàng nghìn làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trải khắp đất nước. Những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình thủ công truyền thống đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề, lan tỏa những nét đẹp, giá trị tích cực đến cộng đồng, cùng bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng cư dân nông thôn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn tin rằng, đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam và mỗi người, nhất là thế hệ trẻ, vẫn luôn tự tin và tự hào tìm kiếm, chăm chút, tạo dựng những giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa đa dạng, bản sắc văn hoá - xã hội độc đáo, với đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo, sự cảm nhận tinh tế để mỗi sản phẩm làng nghề càng ngày bay cao, vươn xa.
Với thông điệp “Cùng nhau, chúng ta nâng niu giá trị Việt - Cùng nhau, chúng ta nâng tầm làng nghề Việt - Cùng nhau, chúng ta kết nối tinh hoa Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tuyên bố khai mạc Festival.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, các làng nghề truyền thống của Thủ đô là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa - vùng đất Thăng long Hà Nội địa linh nhân kiệt và sự giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền. Với những giá trị sâu sắc của làng nghề và làng nghề truyền thống mang lại, Thành ủy Hà Nội đã ban Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Thành phố cũng ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến 2025, tầm nhìn 2030, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách để bảo và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khai mạc.
Hiện nay, Hà Nội tập trung số lượng làng nghề và nghệ nhân nhiều nhất cả nước (1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề cả nước). Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Nổi bật là: Gốm sứ, dệt, đồ gỗ mỹ nghệ...Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế, sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của Quốc gia, gắn với du lịch văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh... đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho các tác giả, nhóm tác giả.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu cũng đã tham qua các gian hàng tại Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm gìn giữ, bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa cho các địa phương khác trên cả nước.
Thông qua Festival lần này cũng tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề, tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và trên cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng tại Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Festival cũng nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của làng nghề Việt Nam tới bạn bè quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch, thể hiện dòng chảy văn hóa Việt Nam thông qua sự phát triển của các làng nghề. Trong khuôn khổ Festival còn diễn ra chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội, triển lãm, hội thảo. Các sự kiện hưởng ứng của Hà Nội diễn ra liên tục trong suốt tháng 10 và tháng 11.
Theo Ban tổ chức, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 có quy mô 300 gian hàng của 42 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự.
Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình như: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; gốm Chu Đậu; gốm Bồ Bát làng Bạch Liên, tranh lá Bồ Đề Gia Viễn, gốm, điêu khắc, thêu ren Hoa Lư Ninh Bình; tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đồ đồng Đại Bái Bắc Ninh; đồ đồng Nam Định; trống Đọi Tam Hà Nam; trống lân Năm Mến Long An; nón ngựa Phú Gia Bình Định; tranh đá quý Lục Yên Yên Bái; giỏ tàn ong, giỏ xách, lẵng hoa được đan từ trúc của Bạc Liêu; dệt thổ cẩm Hoa Tiến Nghệ An; dệt thổ cẩm Na Sang II, mây tre đan Nà Tấu Điện Biên; giỏ xách, túi xách, nón đan từ lục bình Hậu Giang; gốm Thanh Hà Quảng Nam, gốm mỹ nghệ Biên Hòa; mây tre đan, dệt thổ cẩm Lâm Đồng; gỗ lũa, đá mỹ nghệ, trầm hương Quảng Nam; mỹ nghệ từ sò ốc Bà Rịa Vũng Tàu, mỹ nghệ đũa đước Cà Mau, mỹ nghệ từ dừa Bến Tre…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng tại Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước, điển hình như: gạo tám Điện Biên, gạo nếp Tan Tú Lệ, Gạo ST24, gạo sạch Vị Thủy; mật ong nguyên sáp Hương tràm Hậu Giang; bột quế Văn Yên, miến đao Giới Phiên Yên Bái, mỳ chũ Bắc Giang, tương Nam Đàn, giò me Nghệ An, chả cá Thát Lát Hậu Giang, kẹo cu đơ Hà Tĩnh, mắm Thiên Phú, tôm khô Thiên Hương,… trái cây tươi các loại: bơ năm lóng, xoài Suối Lớn, bưởi Tân Triều, dưa lưới VietFarm, bưởi Tà Lài Đồng Nai; chanh không hạt, bưởi năm roi, cam xoàn, bưởi da xanh Hậu Giang; sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc Tiền Giang.
Theo quochoi.vn
Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” là dịp để lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua.