24/11/2022 20:37
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại hội nghị.
Chú trọng và đổi mới từ truyền thông nội bộ đến truyền thông chính sách
Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm quán triệt hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết trung ương tới các Đảng viên, cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được Trung ương triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ sau Đại hội: Các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở Đảng trên toàn quốc. Về bản chất, đây cũng chính là đổi mới trong hoạt động "truyền thông" về các chủ trương chính sách quan trọng của Trung ương tới cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống, để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động.
Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng, với nhiều đổi mới rõ rệt: mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giờ đây đều có Đề án truyền thông chi tiết trước, trong và sau kỳ họp, với các mục tiêu, nhiệm vụ và thông điệp cụ thể.
Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành, được thể hiện thông qua các thành tựu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế. Công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời là những thông điệp rõ ràng qua những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo các vấn đề lớn của đất nước giờ đây luôn có sự tham gia của bộ máy truyền thông - báo chí, với các kế hoạch truyền thông chi tiết, các thông điệp truyền thông cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo được ban hành trong từng giai đoạn hoặc với từng sự kiện.
Điển hình gần đây phải kể đến những thành quả rõ rệt của công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông chính sách ở Trung ương và các địa phương, với nhiều sáng kiến, cách làm có tính đột phá, mang lại hiệu quả ổn định xã hội, ổn định tâm lý người dân, giúp các tầng lớp nhân dân tin tưởng và ủng hộ các nỗ lực của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới.
Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Công tác điều tiết, định hướng truyền thông cũng có sự trợ giúp của công nghệ trong việc hỗ trợ rà quét, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin...). Tất cả để nhằm mục tiêu "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".
Ngoài ra các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước đang hoạt động ngày một tốt hơn, đặc biệt là Cổng thông tin điện tử Chính phủ (cả trên web và trên các nền tảng mạng xã hội) hiện nay đang thể hiện rõ vai trò là nơi cung cấp thông tin nguồn và định hướng tuyên truyền rất hiệu quả về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các tầng lớp nhân dân và cho báo chí, truyền thông.
Kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, kế thừa những quan điểm, chủ trương và cách làm hiệu quả từ những khóa trước, kết hợp với nhiều cách làm mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành đất nước nói chung và trong công tác truyền thông chính sách nói riêng, Chính phủ rút được nhiều bài học quý báu và đúc kết được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, riêng có của mình để truyền thông chính sách và tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và trong xã hội.
Cần hình thành đội ngũ chuyên trách, chuyên nghiệp
Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông (trong đó có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất, kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh...) có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…
Theo kết quả khảo sát do Bộ TT-TT tiến hành tại 59 cơ quan là bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác truyền thông chính sách, cho thấy chưa có sự nhất quán mô hình bộ phận chuyên trách về truyền thông; 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách; nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, thường là kiêm nhiệm các công việc khác.
Hiện chưa thể thống kê kinh phí dành cho truyền thông chính sách là bao nhiêu (vì chưa có danh mục các công việc, nhiệm vụ cụ thể được coi là thuộc nhiệm vụ truyền thông chính sách), nhưng nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách.
Ở cấp xã, phường, lực lượng thông tin cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền đi hàng ngày các bản tin phát thanh tiếp cận nhất, với các nội dung "sát sườn" nhất với đời sống người dân.
Cả nước hiện có 9.793 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với 13.853 nhân sự, phát huy hiệu quả rất lớn trong công tác truyền thông chính sách, cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ, dịch bệnh...), hoặc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các sinh hoạt chính trị quan trọng (bầu cử, đại hội Đảng các cấp....). Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.
Báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Lực lượng báo chí cách mạng của nước ta qua 97 năm hình thành và phát triển bao gồm 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc. Số lượng lao động trực tiếp làm báo trên toàn quốc hiện nay là hơn 60.000 người, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh (trong 3 năm gần đây còn do ảnh hưởng chung từ đại dịch COVID-19). Về thu hút quảng cáo, báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội (toàn bộ hệ thống báo, đài và trang tin trong nước chỉ thu hút khoảng 40% tổng doanh thu quảng cáo trên toàn thị trường, còn lại 60% doanh thu thuộc về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới). Với nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo giảm sút nêu trên, các cơ quan báo chí tự đảm bảo kinh phí hoạt động (chỉ có số tương đối về ngân sách đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước, của cơ quan chủ quản) đang gặp khó khăn cho việc đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách.
Báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng. Các mạng xã hội xuyên biên giới, với công nghệ hiện đại, tài chính dồi dào và lượng người dùng áp đảo đang chiếm ưu thế trong việc kiểm soát phân phối thông tin dựa trên phân tích dữ liệu người xem và các thuật toán để gợi ý nội dung phù hợp đến từng người sử dụng.
Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trước hết chưa có sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách. Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng "truyền thông chính sách là việc của báo chí", trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền.
Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh, là phương thức, là công cụ tuyên truyền cho chính sách mới, nhưng gốc vẫn là việc hoạch định chính sách Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Công tác quản lý "báo, đài" chủ yếu được coi là việc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam, trong khi nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng, chưa giao nhiệm vụ tương xứng và chưa quan tâm đến việc phải đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan nhà nước. Việc báo chí thực hiện chức năng phản biện chính sách cũng rất quan trọng, vì nó góp phần hoàn thiện chính sách. Phải khẳng định rằng không phải sự cố "khủng hoảng truyền thông" nào cũng có nguyên nhân từ báo chí.
Công tác truyền thông chính sách có lúc, có nơi chưa được coi trọng. Một số cơ quan chưa biết cách làm công tác này. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách.
Bộ TT-TT đã nghiên cứu một số kinh nghiệm phát triển lực lượng truyền thông của những quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Anh, Campuchia.
Thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách
Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ TT-TT đề xuất một số giải pháp, kiến nghị: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách (từ khâu hoạch định, ban hành và thực thi chính sách) như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này.
Phải có công cụ đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức khác nhau (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước....) để thấy rằng có cách làm hiệu quả, không hiệu quả.
Riêng với hệ thống các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện vừa làm chức năng cung cấp thông tin nguồn, vừa đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của nhân dân, cần đổi mới cách làm và ứng dụng các công nghệ mới để tăng tương tác với người dân, để người dân cùng tham gia làm chính sách.
Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Hiện nay làm báo cũng chính là làm công nghệ, cần có nền tảng công nghệ để làm báo trên không gian số.
Tiếp tục đầu tư, xây dựng, hiện đại hóa đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, bảng tin điện tử phát huy tối đa các ưu điểm của công nghệ trong hoạt động thông tin cơ sở.
Các bộ, ngành, địa phương ban hành quy tắc ứng xử, quy trình truyền thông chính sách; Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương trong công tác truyền thông chính sách, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông; bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông trọng điểm.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, có thể xem xét công tác truyền thông chính sách là một dịch vụ sự nghiệp công mà nhà nước cần cung cấp cho xã hội và Nhà nước thực hiện việc này một phần thông qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở.
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.