11/07/2024 07:30
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS, các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.
Tại điểm cầu Trà Vinh có đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cùng tham dự.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đánh giá, chuyển đối số quốc gia và triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã đạt nhiều kết quả nổi bật:
Trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định, 3 chỉ thị, 3 công điện và các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn CĐS và triển khai Đề án 06. Các cơ quan đã hoàn thành 19/79 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về CĐS. Hoàn thành 43/229 nhiệm vụ năm 2024 của Đề án 06. Có 55/63 địa phương ban hành Kế hoạch đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong năm 2024.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho CĐS quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Chính phủ đã ban hành 8 nghị định. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư. Đến nay, đã đơn giản hóa 828/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, trong đó trong 6 tháng đầu năm, đã đơn giản hóa 242 thủ tục. 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) có bước phát triển khá, doanh thu 6 tháng ước đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ). Hơn 01 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 1,8 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản. Kết quả thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng theo từng năm (năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 là 97.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024 là trên 50.000 tỷ đồng).
Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành và đi vào hoạt động. 100% xã, phường, thị trấn có internet băng thông rộng; 100% cơ quan từ Trung ương đến cấp xã đã được kết nối với mạng số liệu chuyên dùng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản VNeID đã được cấp). Tích cực thí điểm, triển khai nhiều tiện ích số cho người dân, doanh nghiệp như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID (thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế)...
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 16,4 triệu tài khoản và 51,6 triệu hồ sơ được nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (6 tháng đầu năm đã cấp mới 4,8 triệu tài khoản và 13,9 triệu hồ sơ được nộp). Triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu (tăng 5 dịch vụ công so với cuối năm 2023). Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 hằng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội 3.500 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh (cấp bộ là 46,4%, tăng 22,1%; địa phương đạt 58,1%, tăng 14,6%). Từ 01/7/2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 06 tháng cuối năm về CĐS, phát triển kinh tế số quốc gia; ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia trong ngành ngân hàng… bên cạnh đó, đại biểu có những đề xuất, kiến nghị về việc cần rút ngắn các thủ tục, đẩy nhanh khả năng kết nối các cơ sở dữ liệu; nhanh chóng đưa AI vào giải quyết các thủ tục hành chính.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc của thành viên Ban Chỉ đạo Ủy ban quốc gia về CĐS, thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện CĐS và Đề án 06; tập trung thực hiện những tồn tại, hạn chế. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; có chương trình kế hoạch cụ thể bám sát sự chỉ đạo; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan; mạnh dạn thí điểm các mô hình mới; luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí tầm quan trọng của CĐS, phát triển kinh tế số đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong CĐS quốc dân; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương mình và chia sẻ các dữ liệu này với các bộ, ngành, địa phương;
Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...
Tin, ảnh: HỒNG NHUNG
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 490/TB-VPCP, ngày 26/10/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).