13/11/2023 13:08
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông Trà Vinh có đồng chí Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL; đồng chí Tăng Thị Đẹp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng; lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở VH-TT-DL...
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9 (ngày 29/6/2001), đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam.
Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại biểu là lãnh đạo Sở Xây dựng và các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh tham dự hội nghị.
Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ, thực hành di sản, góp phần thu hút khách du lịch…
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này gồm 10 chương, 154 điều, tăng 03 chương, 81 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Trong đó, bỏ 01 chương về khen thưởng và xử lý vi phạm, thành 04 chương mới là Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu (Chương V); Bảo tàng (Chương VI); Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa (Chương VII); Chuyển đổi số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn (Chương VIII).
Mục đích sửa đổi lần này nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Từ đó đề xuất chính sách đảm bảo phân định rõ: các chính sách có tính chất kế thừa; các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Trà Vinh tham dự hội nghị.
Theo đó, tại hội nghị đại biểu là các nhà khoa học, nhà khảo cổ học, chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo ngành VH-TT-DL các địa phương đã tập trung thảo luận nêu lên những mặt tích cực và còn hạn chế của Luật Di sản văn hóa. Đây là cơ sở để Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) tiếp thu hoàn chỉnh nội dung dự thảo, làm cơ sở tham mưu Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ xem xét đưa ra xin ý kiến Quốc hội.
Trên cả nước, đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.614 di tích quốc gia và 128 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 498 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, ghi danh, bao gồm: 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 196 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 04 triệu hiện vật là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 11 đợt xét duyệt. Tại Trà Vinh, hiện có 55 di tích được xếp hạng, gồm 16 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh; có 01 bảo vật quốc gia; 05 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đang trình công nhận 01 bảo vật quốc gia, 01 Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia và 02 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. |
Tin, ảnh: BÁ THI
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1294/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.