29/06/2020 19:51
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội nghị.
|
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Năm Chủ tịch AIPA 4, sáng 29.6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) với chủ đề "Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy". Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3.
Tham dự có: 10 đoàn nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA, đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam.
Hiểm họa ma túy ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các nghị sỹ đại diện các nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA, đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam đã tham dự sự kiện quan trọng này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, mang tính chất toàn cầu và khu vực. Bên cạnh những vấn đề như môi trường, tội phạm công nghệ cao, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thì một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống nổi cộm, đó là ma túy. Hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh con người, an ninh kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội đối với tất cả quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay, có thể nói, cộng đồng thế giới nói chung và ASEAN nói riêng đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống “kép”, đòi hỏi có sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của tất cả các quốc gia.
Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy toàn cầu và khu vực. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không ma túy.
“Quốc hội Việt Nam trong những năm qua luôn nỗ lực hoàn thiện và hài hòa hóa luật pháp quốc gia, cũng như tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. Năm nay, chúng tôi đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và một số luật liên quan để có những điều chỉnh phù hợp ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nói.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nêu rõ: Các nghị quyết của AIPACODD hiện nay và AIFOCOM trước đây đã có nội dung khá toàn diện, bao trùm với mục tiêu chung hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy.
Năm nay, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó lấy con người làm trung tâm, mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập hoàn toàn với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.
Cập nhật tình hình ma túy và phòng, chống ma túy trên thế giới và khu vực, đại diện Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), Khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cho biết: Số liệu quốc gia về hồ sơ tiếp nhận điều trị ở Đông Nam Á cho thấy sự dịch chuyển của thị trường ma tuý, từ tiêu thụ các chất gây nghiện dạng opiate sang methamphetamine. Hiện tại, đại đa số người được nhận vào các cơ sở điều trị là do các vấn đề sức khỏe liên quan đến methamphetamine.
Bên cạnh đó, số lượng các chất kích thần mới với tác dụng như các chất dạng opioid (thuốc phiện) được xác định ở Đông và Đông Nam Á đã tăng dần trong những năm gần đây. Mặc dù chỉ có ba loại chất kích thần dạng opioid tổng hợp được xác định trong khu vực vào năm 2014, nhưng số lượng này đã tăng lên 28 loại vào năm 2019.
“Vấn đề ma túy ở Đông Nam Á hiện nay đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra những hệ lụy về sức khỏe, quyền con người, an ninh và kinh tế đối với các quốc gia có liên quan”, đại diện UNODC nhấn mạnh.
Để vượt qua khủng hoảng này, theo UNODC cần phải cấp thiết xây dựng các chính sách về ma túy mang tính cân bằng hơn trong đó y tế công cộng và sức khỏe về mặt xã hội đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cải cách chính sách.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong phòng, chống ma túy và điều trị nghiện ma túy; đồng thời, các nghị viện thành viên AIPA cũng rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết thể hiện trong các nghị quyết các hội nghị AIFOCOM và AIPACODD. Trên cơ sở đó, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy, tăng cường vai trò của các nghị viện, các nghị sĩ trong việc hiện thực hóa các cam kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác cai nghiện ma túy, Thứ trưởng Bộ Lao động , Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay: Luật Phòng, chống ma túy của Việt Nam quy định 2 biên pháp cai nghiện là: Cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc và 3 hình thức cai nghiện là: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tư nhân, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện công lập.
Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về hiểm họa ma túy lần thứ 3 .
Thể chế hóa các quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện công tác dự phòng nghiện và điều trị, cai nghiện ma túy.
Việt Nam đã thành lập được hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người nghiện ma túy rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố với hơn 100 cơ sở cai nghiện, hàng nghìn điểm tư vấn, hỗ trợ xã hội dành cho người cai nghiện ma túy ở xã, phường.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, do tác động của tình hình ma túy khu vực và thế giới, tình hình tệ nạn ma túy ở Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khuyến nghị, để thực tốt công tác dự phòng nghiện và điều trị cai nghiện ma túy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp với thực tế của Việt Nam và hướng tới chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện và điều trị nghiện ma túy.
Đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận người nghiện ma túy, người sau cai nghiện vào làm việc; đẩy mạnh và nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng.
Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy. Ứng dụng các loại thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện, chữa trị cho người nghiện; kịp thời nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc hỗ trợ cai nghiện, chữa trị cho người nghiện các loại ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào việc cai nghiện, chữa trị ở Việt Nam.
Đối với các nước trong khu vực, tiếp tục hợp quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác Dự phòng, điều trị nghiện ma túy theo khuyến cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy (UNGASS) năm 2016. Tăng cường chia sẻ thông tin về kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý và điều trị nghiện ma túy tổng hợp...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thông qua Chương trình hoạt động và Chương trình nghị sự. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết "Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy"; thảo luận và thông qua Báo cáo Hội nghị AIPACODD 3.
(Nguồn báo điện tử ĐCSVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.