14/09/2023 16:23
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chủ trì có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; đại diện 680 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước khi bắt đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ cháy chung cư nghiêm trọng tại Thanh Xuân, Hà Nội và 7 nạn nhân thiệt mạng vì lũ quét ở Lào Cai vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, trong 8 tháng đầu năm 2023, dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt cao quý trước” trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát; tăng trưởng quý III tốt hơn quý II, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi, nợ nước ngoài đang kiểm soát tốt, dưới mức cảnh báo của Quốc hội cho phép; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Điều này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, chúng ta cũng xác định tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp nhà nước đang giữ một lực lượng vật chất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong đầu tư phát triển.
Chúng ta cần tìm nguyên nhân đang làm ách tắc việc này, do thể chế? Hay do quan liêu? Xem vướng đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào tháo gỡ cấp đó, đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người cần chung tay tháo gỡ, hỗ trợ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng trưởng đang khó khăn ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chúng ta cần đánh giá lại tình hình trong nước, ngoài nước; các đại biểu thấy vướng mắc ở đâu, cấp nào phải giải quyết thì phải tập trung làm, tập trung cho động lực tăng trưởng, nhất là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Chúng ta phải giải quyết theo tinh thần mỗi người phải nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cũng cần sơ kết Nghị quyết 12-NQ/TW khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương vì tình hình diễn biến nhanh, để phản ứng tốt; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước, phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần tiếp tục cụ thể hóa các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo các nước lớn, chuyến thăm các nước của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành các dự án, chương trình cụ thể để triển khai.
Chúng ta cần tiếp tục cụ thể hóa các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo các nước lớn, chuyến thăm các nước của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành các dự án, chương trình cụ thể để triển khai. Thủ tướng Phạm Minh Chính
|
Thủ tướng mong hội nghị đánh giá lại đóng góp của doanh nghiệp nhà nước, tìm hiểu nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm. Trước khó khăn, chúng ta phải kiên định, bình tĩnh, bản lĩnh. Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm được vì năng động, sáng tạo, thực hiện trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, yêu nước nồng nàn, trách nhiệm xã hội lớn, vì mục tiêu khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Thủ tướng mong các doanh nghiệp nhà nước tìm ra giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư.
Thủ tướng nêu rõ, sau hội nghị này, chúng ta sẽ tiếp tục có văn bản phù hợp, có định hướng, chủ trương, có kế hoạch, chương trình, dự án để thực hiện.
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 77 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn gồm: 6 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng doanh nghiệp nhà nước nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn Tổng công ty (doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc. doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Đại diện lãnh đạo các tập đoàn nhà nước tham dự hội nghị.
Kết quả đạt được 8 tháng năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước: Tính đến tháng 8/2023, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ước đạt 179.984 tỷ kW giờ, tăng 1,9% so cùng kỳ; sản lượng khai thác dầu thô ước đạt - 7,07 triệu tấn, bằng 76,1% kế hoạch năm và bằng 96,7% so cùng kỳ. Sản lượng khai thác khí ước đạt 5,28 tỷ m³, bằng 88,9% kế hoạch năm và bằng 98,1% so cùng kỳ; sản lượng xuất bán xăng dầu ước đạt 9.640.000m³, tấn, bằng 74% kế hoạch năm và bằng 106% so với cùng kỳ. Sản lượng than thương phẩm ước đạt 33.010 nghìn tấn, bằng 69% kế hoạch năm và bằng 102,1% so cùng kỳ; sản lượng than tiêu thụ ước đạt 32.918 nghìn tấn, bằng 70,8% kế hoạch và bằng 102,4% so cùng kỳ; sản lượng sản xuất Alumin quy đổi ước đạt 982.869 tấn, bằng 75,6% kế hoạch năm và bằng 98,8% so cùng kỳ.
Trong lĩnh vực vận tải: Sản lượng vận chuyển hành khách của VNA ước đạt 2,02 triệu khách, bằng 8,2% kế hoạch năm và tăng 8,5% so cùng kỳ; sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 139,3 nghìn tấn, bằng 46,8% kế hoạch năm và bằng 95,3% so cùng kỳ; sản lượng vận tải đường sắt ước đạt 4.462.120 lượt hành khách, bằng 143,6% so cùng kỳ; 3.002.000 tấn hàng hóa, bằng 76,8% so cùng kỳ. Sản lượng vận tải biển ước đạt 13.454,25 nghìn tấn, bằng 75,68% kế hoạch năm và bằng 93,94% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 71.620,19 nghìn tấn, bằng 53,18% kế hoạch năm và bằng 84,53% so với cùng kỳ,
Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023: Tổng doanh thu đạt 580.490 tỷ đồng (bằng 53,7% kế hoạch năm và tăng 4% so cùng kỳ). Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn hơn 10.000 tỷ đồng bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 106.472 tỷ đồng, bằng 58,6% kế hoạch năm và 109,7% so với cùng kỳ năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 210.000 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước liền kề, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 83.000 tỷ đồng, bằng 126,5% so cùng kỳ năm trước liền kề. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 83.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đạt 18.600 tỷ đồng, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2022, Tổng công ty Viễn thông Mobifone đạt 13.466 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 18.195 tỷ đồng (bằng 56,7% kế hoạch năm và bằng 89% so cùng kỳ). Trong đó, 6/19 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2022, gồm: TKV (118,2%), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (115,3%), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (150%), VNPT (101,6%), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (101,1%), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (103,1%).
Đại diện lãnh đạo các ngân hàng tham dự hội nghị.
Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 33.828 tỷ đồng (bằng 90,4% và tăng 1% so với cùng kỳ). Một số doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn như: TKV (9.867 tỷ đồng), PVN (7.693 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (6.000 tỷ đồng), Petrolimex (5.600 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 2.308 tỷ đồng,
Tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước thực hiện lũy kế đến tháng 8 năm 2023, cụ thể như sau: tổng doanh thu ước đạt 781.973 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ). Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn như PVN, EVN, TKV, Petrolimex. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 31.236 tỷ đồng (bằng 96% kế hoạch năm và bằng 95% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng gồm: PVN, SCIC, ACV, Vinachem.
Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 50.994 tỷ đồng (bằng 126% kế hoạch năm và bằng 111% so với cùng kỳ). Những doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn như: Petrolimex, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, PVN, TKV, SCIC…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào thành tựu chung của đất nước; chia sẻ, thông cảm với doanh nghiệp nhà nước về những khó khăn, thách thức mà chúng ta đang gặp phải; nhấn mạnh Thông điệp của hội nghị này là “chung sức đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước” với tinh thần hài hoà lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp, và Nhà nước; “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành: chúng ta cùng theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, ngoài nước, đột biến có thể xảy ra; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tích tụ nhiều năm, kịp thời đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, chính sách sát thực tế, khả thi, mang tính hiệu quả cao. Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò rất quan trọng dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ mở đường cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tập trung cho phát triển bền vững đất nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.
Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, tự lực, tự cường, tự vươn lên bằng nội lực, biến cái không thể thành có thể, đi lên bằng truyền thống lịch sử, văn hoá, thiên nhiên và con người; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân xây dựng doanh nghiệp nhà nước trở thành tiên phong, vai trò dẫn dắt, góp phần thực hiện chủ đạo kinh tế nhà nước, tập trung đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước, đổi mới tổ chức Đảng, đổi mới đánh giá cán bộ, sắp xếp cán bộ đúng, trúng phù hợp tình hình.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng đề nghị tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế, nhất là hệ thống pháp luật, Nghị định, Thông tư của các cấp để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực, để nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho phát triển trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hoá, tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện được các mục tiêu đề ra của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Kế hoạch 5, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội; tái cơ cấu doanh nghiệp sát tình hình thực tế, tái cơ cấu về tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhà nước phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa về các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, nhất là 3 đột phá chiến lược; liên quan các dự án như hệ thống đường cao tốc từ bắc đến nam, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, thực hiện đầu tư phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người lao động; phát triển 1 triệu ha lúc bền vững; các doanh nghiệp nhà nước phải có các dự án đột phá.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp nhà nước có gì khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng thì kịp thời phản ánh, tăng cường tương tác, tiếp xúc giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền tăng cường gặp gỡ doanh nghiệp định kỳ, có thể là 3 tháng/lần để chia sẻ các khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm hay để phổ biến với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe, dân chủ để phát triển điều hành; mong các doanh nghiệp góp phần xây dựng và hoàn thiện các vấn đề liên quan thể chế, cơ chế, chính sách, ưu đãi cần thiết cho phát triển nhanh và bền vững, sát thực tế.
Bên cạnh đó Thủ tướng chỉ đạo cần bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; cần có cơ chế, chính sách gì để tạo động lực, truyền cảm hứng để làm việc tốt hơn; đề cao đạo đức doanh nhân, có trách nhiệm với xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người yếu thế, khó khăn, những lúc thiên tai, hoạn nạn…; phải dành một phần nguồn lực phải chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động trong doanh nghiệp; các doanh nghiệp phối hợp với nhau, cùng các cơ quan nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của chính các doanh nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia;
Khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, khai thác hiệu quả quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN…; cùng nhau chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm, đoàn kết thống nhất, cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực thuộc các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… đang có nhu cầu cao. Các doanh nghiệp nhà nước phải tham gia đào tạo cho chính doanh nghiệp mình, cho địa phương, đất nước.
Đối với các cơ quan nhà nước, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng, Trưởng ngành, Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, cải cách hành chính, tập trung phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt địa vị của mình vào doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức; thực sự chia sẻ, nghiêm túc với Việt Nam; khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, xử lý những người không làm được việc hay cản trở.
Thủ tướng nhấn mạnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá là trụ đỡ, bệ đỡ cho doanh nghiệp. Ngân hàng phát triển được là nhờ hệ sinh thái doanh nghiệp, do đó ngành Ngân hàng phải cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần linh hoạt, sáng tạo, không máy móc. Ngân hàng, các tổ chức tài chính phải là trụ đỡ hiệu quả cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với ngân hàng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp; các doanh nghiệp góp phần sửa Luật 69/2014/QH13 phù hợp tình hình; sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư của các bộ, ngành. Do đó các bên gặp nhau để bàn cách tháo gỡ khó khăn trên tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ sâu sắc nhất, tính khả thi cao nhất có thể.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải tạo đột phá mới, nhất là tăng trưởng, đầu tư, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái; các cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời nắm bắt tình hình kịp thời; UBND các tỉnh, thành phố phải vào cuộc, đổi mới hơn nữa.
Theo nhandan.vn
Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” là dịp để lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua.