12/07/2023 19:05
Quang cảnh hội nghị tại UBND tỉnh Trà Vinh.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin…
Tại điểm cầu Trà Vinh, đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và Chuyển đổi số cấp tỉnh chủ trì hội nghị.
06 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo phát triển trên không gian số. Giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Nhiều điểm sáng, mô hình hay về thực hiện chuyển đổi số như: xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai “trợ lý ảo” trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Công bố xếp hạng về chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương năm 2022, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu trong xếp hạng cấp bộ có cung cấp dịch vụ công; Bộ Xây dựng có cải thiện vị trí mạnh mẽ nhất với vị trí thứ 12/17 đơn vị (tăng 5 bậc).
Đối với xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh: thành phố Đà Nẵng xếp thứ nhất, tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh; Quảng Ngãi có cải thiện vị trí cao nhất (tăng 34 bậc, xếp hạng 26); 09 địa phương dẫn đầu về nhận thức số: Đà Nẵng, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bình Dương, Quảng Ngãi, Lào Cai; 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang; 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số: Đà Nẵng, Hà Nam, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Lạng Sơn, Bình Dương, Yên Bái.
Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc. Đến hết tháng 6/2023, có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển biến rõ rệt, mang lại tác động tích cực trong cộng đồng xã hội.
Đại biểu dự hội nghị tại UBND tỉnh Trà Vinh.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số, kinh nghiệm phát triển hạ tầng số, giải pháp bảo mật an toàn thông tin, kinh nghiệm chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, hiệu quả triển khai các mô hình của Đề án 06…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ưu tiên phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng công nghệ số; đảm bảo an toàn thông tin.
Quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phát triển nền tảng định danh điện tử, chữ ký số, khẩn trương hoàn thiện hạ tầng thông tin; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tổ chức triển khai dịch vụ công liên thông. Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm số hóa dữ liệu, thực hiện hiệu quả, đồng bộ chuyển đổi số, chống tiêu cực, phiền hà.
Các bộ, ngành, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tạo những giá trị mới. Tập trung nguồn lực chủ động thực hiện chuyển đổi số, cải cách, xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh hơn nữa tư duy chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chuyển đổi số.
Tại Trà Vinh, 06 tháng đầu năm 2023, hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hỗ trợ các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, xác thực thông tin công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Có khoảng 24.540 lượt truy cập dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Đảm bảo hạ tầng mạng hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của người dân… |
Tin, ảnh: NGỌC XOÀN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1294/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.