09/06/2020 15:35
Theo báo Nam Đức (SZ), các đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đều nhất trí phê chuẩn EVFTA, một thỏa thuận thương mại toàn diện nhất mà Liên minh châu Âu (EU) thông qua cho đến nay với một quốc gia mới nổi và là thỏa thuận tương tự thứ hai của EU với một nước Đông Nam Á.
Với việc Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn hồi tháng 02/2020, hiệp định có thể bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới. Hiệp định này trước mắt sẽ giúp xóa bỏ 2/3 hàng rào thuế quan và sau từ 07-10 năm sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mọi hàng hóa song phương.
Cùng ngày, báo Thương mại (Handelblatt) cũng đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA, động thái sẽ giúp quốc gia mới nổi ở châu Á được xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết hàng hóa xuất sang EU khi hiệp định có hiệu lực. Theo bài báo, sau khi được toàn thể 457 đại biểu Quốc hội Việt Nam có mặt bỏ phiếu thuận, hiệp định có thể có hiệu lực từ tháng 8 tới do trước đó đã được EP phê chuẩn.
Trong khi đó, theo báo Quan sát Frankfurt (FR), các chuyên gia thương mại từ EP đã hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam thực hiện bước phê chuẩn cuối cùng đối với EVFTA sau 8 năm đàm phán. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế EP Bernd Lange nhấn mạnh với quyết định được phê chuẩn ở Việt Nam, EU có thể khởi động những thay đổi thông qua việc xích lại quan hệ song phương. Ông Lange cũng hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước (105) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Trong khi đó, Báo cáo viên của EP về EVFTA, ông Geert Bourgeois, khẳng định đây là "cơ hội tuyệt vời cho các nhà xuất khẩu và đầu tư châu Âu". Bài báo cũng nhận định Việt Nam là quốc gia quan trọng về sản xuất thiết bị điện và hàng dệt may cho thị trường châu Âu. Ngược lại, đất nước 95 triệu dân này cũng là thị trường ưa thích đối với các công ty châu Âu. Theo Ủy ban châu Âu (EC), sau Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Truyền thông Áo ngày 08/6 cũng nhận định việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Áo. Trang tin của Phòng Kinh tế Áo cho rằng với việc EVFTA được thông qua ở Việt Nam, cánh cửa tiếp cận thị trường Đông Nam Á trong tương lai đối với các doanh nghiệp Áo sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Áo thì đó là diễn biến hết sức tốt đẹp, bởi có tới 1/2 số việc làm ở Áo phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.
Theo Phòng Kinh tế Áo, EVFTA sẽ xóa bỏ nhiều rào cản thuế quan, giúp cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường và đơn giản hóa các quy định về thương mại. Những điều này sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp Áo tăng cường hiện diện ở thị trường đang bùng nổ ở châu Á. Cũng theo bài báo, trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục đạt trên 7%. Đây là nền kinh tế mạng (network economy) và có tính cạnh tranh, với tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cùng lực lượng lao động trẻ, năng động. Việt Nam cũng sẽ là trung tâm về công nghệ, kỹ thuật số và khởi nghiệp của châu Á. Theo ông Dietmar Schwank, Trưởng Văn phòng Thương mại Áo tại Việt Nam, EVFTA sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các nhà xuất khẩu Áo.
Bên cạnh đó, đề cập về những cơ hội và thách thức đối với nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi, Nghị sĩ thuộc Ủy ban nông nghiệp của Nghị viện châu Âu, Marc Tarabella đánh giá, về tổng thể, thỏa thuận với Việt Nam về nông nghiệp là một thỏa thuận tốt, bởi mỗi bên sở hữu các thế mạnh hoàn toàn khác nhau, trong đó phía châu Âu có thể xuất khẩu thịt bò, các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, trong khi phía Việt Nam sẽ được hưởng một hạn ngạch miễn thuế đối với 30.000 tấn gạo trắng, 20.000 tấn gạo nguyên cám và 30.000 tấn gạo thơm, cùng với một số mặt hàng khác.
Ngoài ra còn nhiều mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam mà theo ông Tarabella có thể kỳ vọng được hưởng lợi ích như hạt điều, trà và cà phê. Việt Nam hiện có những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn và đây là những sản phẩm sẽ được miễn thuế. Ông cho rằng có sự bổ sung rất lớn giữa châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, như vậy EVFTA là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Theo Nghị sĩ Tarabella, trong tương lai, khi hiệp định có hiệu lực hoàn toàn, Việt Nam cần tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để thuận lợi hơn cho xuất khẩu. Ông Tarabella nhấn mạnh một thách thức thực sự là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo theo tiêu chuẩn châu Âu. Ông cho rằng muốn cải thiện các tiêu chuẩn, khâu kiểm soát và khâu sản xuất phải tuân thủ các chuẩn mực của châu Âu, và một khi vấn đề này được giải quyết thì Việt Nam có thể tăng trao đổi thương mại trong tương lai.
Một khía cạnh khác rất quan trọng là sự tuân thủ các quy trình trong sản xuất và xác định nguồn gốc xuất xứ. Việt Nam sẽ tôn trọng 169 chỉ dẫn địa lý châu Âu trong khi phía EU cũng sẽ tôn trọng các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Ông cho rằng EVFTA sẽ đóng vai trò là đòn bẩy để cải thiện các tiêu chuẩn mà ông đề cập, theo đó, hiệp định này thực sự là một cơ hội để mở rộng trao đổi và hội tụ các điều kiện để hướng tới các tiêu chuẩn tham vọng hơn.
EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp tăng hơn 15 tỷ euro kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu và hơn 8 tỷ euro từ châu Âu sang Việt Nam mỗi năm. Ông Tarabella đánh giá triển vọng tích cực của trao đổi thương mại giữa hai bên. Thực tế, 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ được bãi bỏ khi thỏa thuận có hiệu lực và phần còn lại sẽ được áp dụng dần cho đến năm 2030. Nghị sĩ châu Âu cho rằng điều này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
(Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.