17/09/2022 16:45
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện 350 doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang tiến hành xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nguồn lực bên trong là chính, nhưng không thể thiếu được yếu tố ngoại lực. Nội lực kết hợp hợp lý, hài hòa với ngoại lực, đó là nguồn vốn, công nghệ, quản trị, nhân lực, góp phần hoàn thiện thể chế. Nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá. Trong bối cảnh hiện nay, những cuộc khủng hoảng vừa qua trên thế giới cho thấy cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chọi tác động từ bên ngoài.
Việt Nam đang xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tập trung thực hiện trụ cột chính: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tôn trọng quy luật khách quan, quy luật cung cầu, thị trường, nhưng khi cần Nhà nước có thể can thiệp.
Trong quá trình này, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho phát triển, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện các yếu tố nền tảng này linh hoạt, hiệu quả, khoa học kể cả trong những lúc khó khăn.
Thủ tướng chia sẻ, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 là điển hình mà không ai dự báo, khiến thế giới chịu cú sốc nặng nề. Chúng ta vừa mới kiểm soát được dịch Covid-19 trên toàn cầu thì lại xuất hiện cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột Nga-Ukraine tác động mọi mặt trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là giá cả đầu vào, xăng dầu tăng mạnh. Khó khăn đó làm các nền kinh tế lớn trên thế giới, thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… bị thu hẹp do tác động của lạm phát, khó khăn về nguyên liệu.
Tuy nhiên, Việt Nam đang thực hiện tư duy tìm kiếm sự ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong bị động; kiên định trong sự tác động của nhiều chiều; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường trong khủng hoảng, suy thoái là đặc tính của nền kinh tế thị trường; xây dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế bình đẳng trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng nêu bật, 08 tháng qua, Việt Nam đạt kết quả kinh tế-xã hội tích cực. Có được điều này là nhờ đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của nhân dân, cộng đồng DN, trong đó có sự giúp đỡ, ủng hộ của các DN đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác đối ngoại không ngừng được củng cố và tăng cường...
Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới vẫn biến động phức tạp, bất ổn, khó lường; các nước lớn thay đổi các chính sách lớn như chính sách tài khóa, phòng, chống dịch... Trong bối cảnh đó, Việt Nam kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Thủ tướng chia sẻ, suốt chặng đường vừa qua, cộng đồng quốc tế, các DN đầu tư nước ngoài đã luôn dành tình cảm, sự yêu mến Việt Nam thì trong bối cảnh khó khăn này, Việt Nam càng trân trọng sự giúp đỡ đó. Việt Nam coi các DN đầu tư nước ngoài là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư nước ngoài làm ăn thành công.
Thủ tướng khẳng định, trong suốt mấy chục năm qua, cộng đồng quốc tế, DN đầu tư nước ngoài đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự đồng hành, đóng góp của các DN nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ với các nhà đầu tư chưa có lợi nhuận do ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước; tin tưởng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thành công.
Việt Nam coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của chính Việt Nam. Thành công này góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, tinh thần đoàn kết quốc tế chung tay, chung sức, đồng lòng để vượt qua mọi khó khăn, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cũng tin tưởng quá trình hợp tác này sẽ tăng cường tình cảm, hiểu biết lẫn nhau trên tinh thần trách nhiệm, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “đôi bên cùng thắng”.
* Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị lớn dành riêng cho các DN đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với sự tham dự của hàng trăm DN đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư tại Việt Nam và hàng trăm tập đoàn lớn trên thế giới tham dự trực tuyến cho thấy sự quan tâm của cộng đồng DN nước ngoài đối với Việt Nam.
Bộ trưởng nêu rõ, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư các dự án: lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong ngắn hạn: chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những tồn tại hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Theo đó, các địa phương cần phải đồng hành, vào cuộc cùng DN để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các khó khăn để bảo đảm DN hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho các DN mới nhanh chóng gia nhập thị trường.
Đối với những tồn tại do khâu thực thi, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ cần khẩn trương xử lý các vướng mắc của DN. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì phải kịp thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý triệt để, không để khó khăn tồn đọng kéo dài. Hỗ trợ DN: Kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác; giảm chi phí đầu vào cho DN. Xác định một số lĩnh vực có khả năng thúc đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung cho những phân đoạn Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng để ưu tiên thu hút. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác liên kết các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay; tạo điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư, như: chuẩn bị về mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị, chuẩn bị sẵn các ”gói” ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa cao.
Trong dài hạn: tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trong quá trình đề xuất, xây dựng, ban hành các chính sách cần lưu ý hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam để áp dụng có chọn lọc. Các chính sách mới ban hành phải bảo đảm mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn, vừa không tạo thêm những rào cản mới. Tăng cường năng lực nội tại của DN trong nước, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung, một số ngành, nghề cụ thể, qua đó thúc đẩy kết nối với DN nước ngoài để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; gia tăng giá trị sản xuất nội địa.
Hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể; đa phương hóa, đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến những người quyết định đầu tư để tiếp cận trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam; áp dụng nền tảng số trong việc tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư Việt Nam. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo nhandan.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.