27/07/2024 13:46
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cầu Kè có hàng trăm mét đê bao đang xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa đến cuộc sống, sinh hoạt và đất đai sản xuất của người dân. Chính vì vậy, cần sớm có giải pháp để khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đê bao gây ra.
Cầu Kè là huyện có địa hình nằm ven Sông Hậu nên hàng năm vào mùa mưa thường chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của triều cường, mưa bão gây sạt lở các tuyến đê bao, nhất là các địa phương nằm cặp tuyến Sông Hậu như Hòa Tân, Ninh Thới và An Phú Tân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cầu Kè có hàng trăm mét đê bao đang xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa đến cuộc sống, sinh hoạt và đất đai sản xuất của người dân. Chính vì vậy, cần sớm có giải pháp để khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đê bao gây ra.
Bà Trần Thị Mộng Hoa, ở ấp An Bình, xã Hòa Tân nơm nớp lo sợ khi chứng kiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: thời gian gần đây, do ảnh hưởng của mưa bão kết hợp triều cường dâng cao đã làm cho một số tuyến đê bao trên địa bàn huyện bị sạt lở, nhất là ở những đoạn không có cây chắn sóng, những khúc cua, ngã ba, ngã tư sông đe dọa đến an toàn của thân đê.
Theo khảo sát, thống kê mới đây, toàn huyện Cầu Kè có 15 điểm đê bao bị sạt lở, với tổng chiều dài gần 1.000m, tập trung nhiều ở các xã nằm ven Sông Hậu như: An Phú Tân, Hòa Tân, Ninh Thới; trong đó có 03 điểm sạt lở nghiêm trọng ở xã Hòa Tân và Ninh Thới, có tổng chiều dài hơn 210m. Hiện tại các điểm này có đoạn không còn bãi, hẩm đứng, sạt lở lấn sát vào chân đê, nếu không có giải pháp khắc phục sớm nguy cơ vỡ đê là rất lớn, khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 05 hộ dân sinh sống tại vị trí sạt lở nêu trên và ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân khác sống trong khu vực, 02 trường học, khoảng 250ha diện tích vườn cây ăn trái của người dân và 01 điểm tín ngưỡng tôn giáo.
Bà Trần Thị Mộng Hoa, ở ấp An Bình, xã Hòa Tân trong những ngày qua luôn nơm nớp lo sợ, vì hiện tại tuyến đê bao trước nhà đã bị sạt lở nghiêm trọng, có chiều dài hơn 20m mà chưa được khắc phục.
Bà Hoa cho biết: Trước đây ở khu vực này khoảng cách từ chân đê ra đến sông có hơn 20m, tuy nhiên do ảnh hưởng của triều cường dâng cao kết hợp gió lớn, thay đổi dòng chảy, việc chặt phá cây chắn sóng, khai thác cát trái phép… góp phần làm trình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tại khu vực này, tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào sát đường giao thông, tạo hàm ếch rất nguy hiểm. Tình trạng sạt lở khu vực này nếu không sớm có giải pháp khắc phục sẽ có nguy cơ làm sạt lở đường giao thông và ăn sâu vào khu vực nhà ở của nhiều hộ dân.
Bà Hoa chia sẻ: trước đây, khu vực này từ chân đê đến mé sông còn khoảng 20m đất, nhưng đến hiện tại đã sạt lở hết phần đất đó, giờ lở sát chân đê rất nguy hiểm. Tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục, làm bờ kè chắn sóng, chắn nước đầu nguồn đổ xuống. Nếu chậm khắc phục thì không bao lâu nữa nguyên khu vực đoạn đê bao này sẽ sụp xuống Sông Hậu, ảnh hưởng rất lớn đến vườn cây ăn trái, nhà cửa của nhiều hộ dân nơi đây”.
Ông Nguyễn Hữu Trọng một người dân ở ấp An Bình, xã Hòa Tân cho biết thêm: trước con lộ này cách bờ sông khoảng 20m nhưng do một thời gian ảnh hưởng của triều cường kết hợp gió thổi mạnh, sóng đánh làm sạt lở liên tục, đến thời điểm này nhiều điểm đã lở sát chân đê, hàm ếch rất nguy hiểm, tuyến đê này không biết sụp xuống sông vào lúc nào. Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm đầu tư khắc phục làm rọ đá, đóng kè bê tông để giữ được đê bao này, đó là điều chúng tôi rất mong muốn lúc này”.
Cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở ở ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới.
Từ đầu mùa mưa (giữa tháng 5/2024) đến nay, trên địa bàn huyện Cầu Kè liên tục xảy ra nhiều điểm sạt lở, mặc dù chưa gây thiệt hại gì nhiều nhưng đã làm cho nhiều hộ dân sống trong khu vực thấp thỏm lo sợ.
Ông Cao Văn Dương, ở ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới cũng như một số hộ dân sống trong khu vực lân cận trong những ngày qua đứng ngồi không yên khi chứng kiến đoạn đê bao gần nhà bị sạt lở nghiêm trọng, mặc dù trước đây ở khu vực này đã được gia cố hàng cừ tạo vành đai chắn sóng khá kiên cố để bảo vệ thân đê, tuy nhiên thời gian gần đây trước biến đổi phức tạp của thời tiết đã làm cho khu vực này sạt lở ngày một nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở đây.
Ông Dương nói: trước đây từ mé lộ này đi ra ngoài sông còn khoảng hơn 50m đất, vài năm trở lại đây mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, hiện tại sạt lở vô sát thân đê. Nguyện vọng của dân ở đây là mong muốn làm sao sớm đầu tư hệ thống kè chắn sóng kiên cố để giữ thân, ngăn triều cường nhất là trong mùa mưa lũ năm nay, giúp bà con an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè (bìa trái) kiểm tra mức độ sạt lở tại ấp An Bình, xã Hòa Tân.
Trên tuyến đê bao ven Sông Hậu đã từng bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng trong những năm qua, bởi con sông này có dòng chảy xiết, nhiều phương tiện giao thông thủy qua lại… Dự báo, thời gian tới việc sạt lở đê bao ven tuyến Sông Hậu sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn, do đó công tác phòng tránh sạt lở đang được huyện Cầu Kè thực hiện nghiêm túc. Chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sạt lở; xây dựng, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai, sạt lở phù hợp với từng địa bàn;
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn để chủ động xử lý các tình huống khẩn cấp. Chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương hằng năm để kịp thời tu bổ, gia cố, xử lý sạt lở tại các khu vực còn lại nhằm hạn chế việc lan rộng quy mô sạt lở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để không ngừng nâng cao nhận thức của Nhân dân về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở bờ sông, đê bao.
Mặc dù công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai thời gian qua đã được huyện Cầu Kè triển khai thực hiện khá đồng bộ, tuy nhiên trước diễn biến khó lường của thiên tai, bão lũ, triều cường thì vấn đề sạt lở đê bao, bờ bao ngày càng gia tăng cấp độ gây hại, hiện các điểm sạt lở lớn ven Sông Hậu chi phí đầu tư khắc phục, gia cố lớn nên địa phương rất cần sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Bài, ảnh: QUANG HUY
Ngày 22/11, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ năm 2024. Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy - Bộ Chỉ huy; đại diện các cơ quan, đơn vị trong BĐBP tỉnh.