18/11/2022 07:20
Kết thúc kỳ họp, phóng viên báo Trà Vinh có cuộc phỏng vấn đồng chí Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh xoay quanh kết quả kỳ họp và kế hoạch sắp tới của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đồng chí Thạch Phước Bình phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Tiếp nối và phát huy thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Tại kỳ họp, có 1.841 lượt ĐBQH phát biểu tại 07 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt ĐBQH phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận hội trường; 345 lượt ĐBQH đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 lượt tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua 06 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu 08 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án; phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Thứ nhất, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022; vui mừng, đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quốc hội cũng lưu ý, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị, an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn.
Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…; tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, về công tác lập pháp
Tại kỳ họp, Quốc hội hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 06 luật: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); 03 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật (Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), cho ý kiến lần 02 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 06 dự án luật khác bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Quốc hội cho rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các ĐBQH, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ.
Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao
Quốc hội nghe và thảo luận sâu sắc, thực chất các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án.
Tại kỳ họp, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, Nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, bao gồm cả 63 Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước.
Trên cơ sở 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng hệ thống phụ lục kèm theo khoảng 100.000 trang tài liệu, kết quả giám sát được phản ảnh tại báo cáo đầy đủ (93 trang), 42 phụ lục và 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương với tổng số 1.685 trang.
Báo cáo giám sát nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện đã đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với 05 nội dung trọng điểm và 07 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.
Quốc hội ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong báo cáo của Đoàn giám sát. Đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện Nghị quyết về giám sát, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan và việc thực hiện các kiến nghị trong Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, Nhân dân cả nước và các ĐBQH quan tâm liên quan đến lĩnh vực: Nội vụ, Xây dựng, Thanh tra, Thông tin và truyền thông. Thủ tướng Chính phủ, 04/04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 04 trưởng ngành và 07 bộ trưởng khác tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan. Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau. Trân trọng đề nghị cử tri và Nhân dân cả nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, HĐND các cấp tích cực tham gia cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát, các cam kết, lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, về công tác nhân sự và một số công tác quan trọng khác
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quốc hội đề nghị các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao phụ trách, đóng góp vào sự phát triển chung, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của ĐBQH, cử tri và Nhân dân.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất. Hai là, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng. Ba là, bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân khi nhập cảnh tại các nước.
Tại kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh đã hoạt động tích cực và tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội, từ ngày 20/10 đến 15/11/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh có 06/06 đại biểu tham dự.
Với tinh thần trách nhiệm cao với Nhân dân cả nước nói chung, với cử tri tỉnh Trà Vinh nói riêng, các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH đã tập trung trí tuệ, nghiên cứu, tham gia 40 lượt ý kiến có chất lượng tại các buổi thảo luận tại tổ và thảo luận trực tiếp tại hội trường, trong đó tại các phiên thảo luận tại tổ có 23 lượt ý kiến với 88 nội dung; các phiên thảo luận tại hội trường có 17 lượt ý kiến phát biểu với 61 nội dung trong chương trình kỳ họp đã đề ra.
Các nội dung được Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia như: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật Phòng thủ dân sự; Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…
Đồng thời, tham gia 01 lượt chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và chất vấn bằng văn bản đến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành một số vấn đề liên quan đến ban hành biểu giá mua điện mặt trời áp mái mới để thay thế biểu giá mua điện mặt trời áp mái tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân các doanh nghiệp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường; xem xét cho Công ty Nhiệt điện Duyên Hải Trà Vinh (Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3-mở rộng) và Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2) được phát điện tối đa công suất nhằm đạt chỉ tiêu phân bổ hàng năm; phương án nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu đầy đủ cho địa bàn các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và có giải pháp hỗ trợ cho các thương nhân phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh không bị đứt gãy.
Bên cạnh đó, ngoài các phiên họp chính thức, trong thời gian diễn ra kỳ họp, các ĐBQH trong Đoàn tham gia các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên và các cuộc họp, hội nghị, hoạt động khác như: hội nghị Đảng đoàn của Quốc hội với Tổ trưởng Tổ Đảng, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố tham dự kỳ họp; gặp mặt và triển khai hoạt động của nhóm nữ ĐBQH Việt Nam khóa XV; gặp mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các ĐBQH khóa XV là người dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức, nhà giáo, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo; gặp mặt giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1); gặp mặt giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Hội đồng Dân tộc tổ chức; tham gia khảo sát nhu cầu bồi dưỡng kiến thức cho ĐBQH hàng năm…
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay sau kết thúc kỳ họp, Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân tại 08 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Trà Vinh, huyện Tiểu Cần, huyện Châu Thành và thị xã Duyên Hải (ngày 21 và 22/11/2022). Qua tiếp xúc cử tri sẽ tiến hành tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp theo quy định.
Đồng thời, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát năm 2023, Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch giám sát 02 chuyên đề: (1) “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; (2) “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
KIM LOAN (thực hiện)
Chiều nay (22/11), HĐND huyện Duyên Hải khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) để thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.