08/07/2024 11:19
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: KL
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện; Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các NQ này.
Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Căn cứ Thông tư số 327/2016/TT-BTC, ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 quy định mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Ngày 06/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua (ngày 06/9/2023) và áp dụng từ ngân sách năm 2024. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 15, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Trà Vinh để thực hiện theo quy định tại NQ số 37/2023/UBTVQH15, ngày 06/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND, ngày 29/6/2024 của HĐND tỉnh nêu rõ: bãi bỏ toàn bộ Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2030
Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 theo quy định tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg, ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo đó, mức hỗ trợ đối với đăng ký bảo hộ trong nước: (1) Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ; (2) Đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hỗ trợ 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.
Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.
Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh hàng năm.
Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
NQ này quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 theo quy định tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình 1322).
Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình 1322 và cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị quyết quy định mức chi thực hiện Chương trình 1322: (1) Đối với các nội dung chi được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5, khoản 2 Điều 7, khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 8 Thông tư số 35/2021/TT-BTC, ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được dẫn chiếu áp dụng mức chi của các thông tư khác có liên quan thì mức chi được thực hiện theo quy định của các thông tư đó và các văn bản đã được địa phương quy định chi tiết.
(2) Mức chi hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tham gia các chương trình đào tạo của quốc tế: Đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tham gia Chương trình 1322 theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ được hỗ trợ các nội dung:
Đối với áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố: (a) Hỗ trợ lần đầu áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng: mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 30 triệu đồng/01 công cụ (bao gồm các khoản tư vấn, đánh giá chứng nhận). Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 03 công cụ; (b) Hỗ trợ lần đầu áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp: mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 100 triệu đồng/01 hệ thống (bao gồm các khoản chi tư vấn, đào tạo, đánh giá, chứng nhận). Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 03 hệ thống.
Đối với áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh:
(a) Hỗ trợ lần đầu áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh: mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 30 triệu đồng/01 tiêu chuẩn/công cụ (bao gồm các khoản tư vấn, đánh giá chứng nhận). Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 03 tiêu chuẩn/công cụ.
(b) Hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa: mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 100 triệu đồng cho quá trình xây dựng hệ thống (bao gồm tư vấn, đào tạo tập huấn kỹ thuật tại nơi áp dụng truy xuất nguồn gốc, tem, đánh giá, chứng nhận lần đầu) cho doanh nghiệp.
(c) Hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh: áp dụng mức chi tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày/19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.
(d) Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số chuyển đổi thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp. Áp dụng mức chi tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(e) Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 20 triệu đồng/sản phẩm (nhóm sản phẩm). Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 03 sản phẩm (nhóm sản phẩm).
Các nhiệm vụ hỗ trợ trên được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ khoa hoc và công nghệ theo quy định hiện hành.
Kinh phí thực hiện từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của ngân sách địa phương theo phân cấp hiện hành; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết số 10/2024/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Nghị quyết này quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối tượng thực hiện Nghị quyết này là: (1) Hộ gia đình, cá nhân được bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, ngập lụt, nước dâng; hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến địa bàn của tỉnh không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; (2) Cộng đồng dân cư nơi tiếp nhận người dân tái định cư tập trung, xen ghép; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và NQ này.
Nghị quyết này không bao gồm phạm vi, đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung, mức hỗ trợ: hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí ổn định dân cư tập trung theo dự án được duyệt, bao gồm các hạng mục: bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có), san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư; đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất), thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác.
Riêng đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được áp dụng trong Nghị quyết này sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ kinh phí di chuyển người và tài sản cho các hộ gia đình, cá nhân ở nơi bị thiên tai, vùng có nguy cơ về thiên tai, di cư tự do thực hiện bố trí ổn định dân cư tập trung, xen ghép; hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ kinh phí để nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác thực hiện bố trí ổn định dân cư tại chỗ, chỉ hỗ trợ 01 lần/hộ.
Phương thức hỗ trợ: hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân thực hiện thông qua người đại diện của gia đình là chủ hộ hoặc người đại diện cho hộ gia đình (là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự) khi đã hoàn thành việc di dời đến nơi ở mới an toàn; nâng cấp nhà ở, gia cố đất ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác. Nguồn kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn hợp pháp khác.
Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm học 2024 - 2025
Nghị quyết nêu rõ: quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm học 2024 - 2025: đối với bậc học mầm non, THCS, THPT vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) 32.000 đồng/tháng/học sinh; đối với khu vực thành thị (các phường, thị trấn ) 64.000 đồng/tháng/học sinh.
Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND quy định xây dựng, bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Nghị quyết này quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT trên địa bàn tỉnh; chế độ, chính sách, các điều kiện đảm bảo hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Nghị quyết này áp dụng đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tổ bảo vệ ANTT được thành lập tại các ấp, khóm thuộc đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh; mỗi ấp, khóm được thành lập 01 Tổ bảo vệ ANTT.
Tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT đối với ấp, khóm có quy mô dân số:
+ Dưới 3.000 người bố trí 03 thành viên/tổ, gồm: 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 01 tổ viên.
+ Từ 3.000 người đến dưới 4.000 người bố trí 04 thành viên/tổ, gồm: 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 02 tổ viên.
+ Từ 4.000 đến dưới 5.000 người bố trí 05 thành viên/tổ, gồm: 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 03 tổ viên.
+ Từ 5.000 người đến dưới 6.000 người bố trí 06 thành viên/tổ, gồm: 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 04 tổ viên.
+ Từ 6.000 người đến dưới 7.000 người bố trí 07 thành viên/tổ, gồm: 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 05 tổ viên.
+ Từ 7.000 người trở lên, cứ có thêm 1.000 người thì mỗi Tổ bảo vệ ANTT sẽ được thêm 01 tổ viên.
Về chế độ, chính sách: (1) Mức hỗ trợ hàng tháng: tổ trưởng 1,8 triệu đồng/người/tháng; tổ phó 1,6 triệu đồng/người/tháng; tổ viên 1,4 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp tổ trưởng, tổ phó Tổ bảo vệ ANTT được giữ nhiều chức danh khác nhau thì mức hỗ trợ được hưởng theo chức danh cao nhất; (2) Kể từ năm 2025 trở đi, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tăng thêm đối với công chức, viên chức thì mức hỗ trợ được tăng thêm theo tỷ lệ % tương ứng với mức tăng thêm của công chức, viên chức.
Thành viên của Tổ bảo vệ ANTT được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm y tế; được hỗ trợ 10% chi phí mua bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chế độ, chính sách khác: khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau: bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ca; khi làm nhiệm vụ vào ngày nghỉ, ngày lễ thực hiện theo quy định hiện hành về làm việc ngoài giờ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bồi dưỡng 23.000 đồng/người/ngày; khi được điều động, huy động làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng trọng điểm về quốc phòng hỗ trợ tăng thêm 90.000 đồng/người/ngày.
Người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm xã hội, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, nếu bị ốm đau, tai nạn bị thương được hỗ trợ 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh; hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị nội trú.
Trường hợp tai nạn dẫn đến chết, thân nhân được hỗ trợ tiền tuất, tiền mai táng phí 01 lần bằng với mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức từ trần theo quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí mua văn phòng phẩm 200.000 đồng/tổ/tháng; mua sắm bàn làm việc cá nhân, bàn họp, ghế ngồi, tủ đựng tài liệu, đựng công cụ hỗ trợ, giường cá nhân khi đủ điều kiện. Hỗ trợ kinh phí mua sắm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận với tổng số kinh phí không vượt quá 03 triệu đồng/người/năm. Hỗ trợ kinh phí phục vụ sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức; kinh phí sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định pháp luật.
Kinh phí chi trả chế độ, chính sách và đảm bảo điều kiện hoạt động cần thiết đối với các Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh do ngân sách tỉnh bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 09/7/2024.
KIM LOAN
Ngày 22/11, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ năm 2024. Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy - Bộ Chỉ huy; đại diện các cơ quan, đơn vị trong BĐBP tỉnh.