18/07/2024 09:41
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh. Ảnh: KL
Nghị quyết số 20/NQ-HĐND về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 6)
Nghị quyết điều chỉnh với nội dung cụ thể như sau: (1) Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương: điều chỉnh giảm 278,019 tỷ đồng của 14 dự án, vốn đối ứng vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện. Điều chỉnh tăng 239,019 tỷ đồng, bố trí cho 08 dự án, các dự án phê duyệt quyết toán hoàn thành, các dự án thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và vốn hỗ trợ cho hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã. (2) Nguồn vốn xổ số kiến thiết: điều chỉnh giảm 490,383 tỷ đồng của 16 dự án, vốn quyết toán hoàn thành và vốn dự phòng. Điều chỉnh, bổ sung 550,124 tỷ đồng, bố trí cho 07 dự án, dự phòng và hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện. (3) Nguồn vốn xổ số kiến thiết vượt thu năm 2023: điều chỉnh giảm 14 tỷ đồng vốn chưa giao chi tiết và vốn hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện; điều chỉnh tăng 134,363 tỷ đồng, bố trí cho 04 dự án và hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện.
Thông qua danh mục dự án khởi công mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và dự kiến số vốn 620,209 tỷ đồng, bố trí cho 19 dự án khởi công mới bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và trình HĐND tỉnh phân bổ chi tiết cho các dự án theo quy định.
Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2024 (đợt 3)
Nghị quyết điều chỉnh như sau: (1) Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương: điều chỉnh giảm vốn của 02 dự án và giảm vốn dự phòng với số tiền 118,662 tỷ đồng để bố trí tăng cho 07 dự án, các dự án đã phê duyệt quyết toán hoàn thành và các dự án thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. (2) Nguồn vốn xổ số kiến thiết: điều chỉnh giảm vốn của 09 dự án và vốn dự phòng với số tiền 263,576 tỷ đồng để bố trí tăng vốn cho 06 dự án. (3) Nguồn vốn xổ số kiến thiết vượt thu năm 2023: điều chỉnh giảm 2,5 tỷ đồng vốn hỗ trợ có mục tiêu cho huyện; điều chỉnh tăng 176,553 tỷ đồng bố trí cho 07 dự án và hỗ trợ có mục tiêu cho huyện.
Nghị quyết số 22/NQ-HĐND thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025
Thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 với tổng số vốn dự kiến 4.109,518 tỷ đồng, bao gồm:
Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 3.048,216 tỷ đồng, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 759,216 tỷ đồng; vốn sử dụng đất 270 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết 1.950 tỷ đồng; nguồn bội chi ngân sách địa phương (vốn nước ngoài tỉnh vay lại của Chính phủ) 69 tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 1.061,302 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước 900,302 tỷ đồng; vốn nước ngoài 161 tỷ đồng.
Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về việc bổ sung dự toán, bổ sung có mục tiêu và điều chỉnh dự toán ngân sách tỉnh năm 2024
Theo đó, bổ sung dự toán, bổ sung có mục tiêu năm 2024 số tiền 177.060.681.484 đồng.
Điều chỉnh giảm dự toán ngân sách tỉnh năm 2024 số tiền 13.270.846.769 đồng.
Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về việc thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 47/NQ-HĐND tỉnh, ngày 08/12/2023
Thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 47/NQ-HĐND của HĐND tỉnh tổng số 03 công trình, dự án với tổng diện tích đất 4,28ha, tổng nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng 75 triệu đồng, cụ thể:
- Bổ sung tổng số 02 công trình, dự án với quy mô diện tích khoảng 3,44ha, tổng nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng là 75 triệu đồng (gồm Dự án Khu lưu niệm cố Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu với diện tích thu hồi 0,02ha, tổng nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng 75 triệu đồng và Dự án Nhà máy điện gió Thăng Long với diện tích thu hồi là 3,42ha, sử dụng vốn doanh nghiệp).
- Điều chỉnh 01 công trình, dự án, cụ thể: điều chỉnh tên Dự án “Cải tạo nâng tiết điện dây pha từ ACSR240 thành 2ACSR240 từ Trà Vinh đi Duyên Hải (Duyên Trà)” thành “Cải tạo nâng tiết diện dây pha từ ACSR240 thành 2ACSR240 từ Trà Vinh đi Duyên Hải (Duyên Trà)” với diện tích khoảng 0,84ha (công trình sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp).
Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về việc thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-HĐND tỉnh, ngày 08/12/2023
Nghị quyết thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với tổng số 02 công trình, dự án với diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ cần chuyển mục đích sử dụng đất sang sử dụng vào mục đích khác là 1,78ha (trong đó, đất trồng lúa là 1,02ha, đất rừng phòng hộ 0,76ha), cụ thể:
- Bổ sung 01 công trình, dự án (Dự án Nhà máy điện gió Thăng Long) với quy mô diện tích đất rừng phòng hộ cần chuyển mục đích sử dụng đất sang sử dụng vào mục đích khác là 0,76ha.
- Điều chỉnh 01 công trình, dự án cụ thể: Dự án Đường dây mạch 2 từ trạm 220KV Trà Vinh 2 - trạm 110KV Cầu Kè với quy mô diện tích đất trồng lúa cần chuyển mục đích sang sử dụng đất vào mục đích khác 1,02ha.
Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc thông qua thay đổi quy mô Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh trong kế hoạch sử dụng đất (2021 - 2025) tỉnh Trà Vinh
Theo đó, thông qua thay đổi quy mô Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh trong kế hoạch sử dụng đất (2021 -2025) tỉnh Trà Vinh, như sau:
Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với diện tích kế hoạch thực hiện từ 3,06ha thành 10,20ha (trong đó, diện tích hiện trạng là 2,50ha, diện tích tăng thêm là 7,70ha). Chỉ tiêu diện tích đất xây dựng cơ sở văn hóa tăng thêm được sử dụng từ 4,00ha đã phân bổ đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Duyên Hải và 3,70ha đã phân bổ đến năm 2030 trên địa bàn huyện Duyên Hải chuyển sang thị xã Duyên Hải để thực hiện dự án.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện, đồng thời phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trên địa bàn huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải để UBND cấp huyện lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 theo quy định.
Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án đề nghị công nhận thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đạt tiêu chí đô thị loại IV
Nghị quyết thông qua Đề án đề nghị công nhận thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đạt tiêu chí đô thị loại IV có 06 chương gồm các nội dung chính:
Chương I. Phần mở đầu gồm: Các căn cứ pháp lý chính; phạm vi lập đề án đề; lý do và sự cần thiết đề nghị công nhận thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Chương II. Khái quát quá trình hình thành và phát triển đô thị Duyên Hải, gồm: khái quát quá trình hình thành thị xã Duyên Hải; định hướng phát triển theo điều chỉnh Quy hoạch chung.
Chương III. Đánh giá điều kiện tự nhiên, vai trò vị thế và tiềm năng phát triển, gồm: đánh giá điều kiện tự nhiên về vị trí địa lý, địa hình, thủy văn, khí hậu, các nguồn tài nguyên...; đánh giá vai trò vị thế và tiềm năng phát triển.
Chương IV. Đánh giá thực trạng phát triển đô thị và chất lượng công trình hạ tầng đô thị, gồm: khái quát thực trạng phát triển đô thị (thực trạng trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng XDNTM, hiện trạng sử dụng đất), hiện trạng kiến trúc cảnh quan và hạ tầng xã hội (hiện trạng kiến trúc cảnh quan đô thị, công trình nhà ở, công trình tôn giáo, công trình công cộng, hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao, thương mại - dịch vụ, cây xanh, mặt nước...), hiện trạng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (hiện trạng giao thông, cao độ nền và thoát nước mưa, cấp nước, thoát nước thải và vệ sinh môi trường, cấp điện, thông tin liên lạc).
Chương V. Cơ sở đánh giá đề nghị công nhận loại đô thị. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng phát triển đô thị thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, kết quả đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị loại IV như sau:
+ Tiêu chí 1: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội: đánh giá đạt 08/08 tiêu chuẩn, tương ứng 17,86/18 điểm (đạt cao hơn điểm tối thiểu).
+ Tiêu chí 2: Quy mô dân số: đánh giá đạt 02/02 tiêu chuẩn, tương ứng 7,77/8,0 điểm (đạt cao hơn điểm tối thiểu).
+ Tiêu chí 3: Mật độ dân số: đánh giá đạt 01/02 tiêu chuẩn, tương ứng 6,0/8,0 điểm (đạt điểm tối thiểu).
+ Tiêu chí 4: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: đánh giá đạt 02/02 tiêu chuẩn, tương ứng 5,93/6,0 điểm (đạt cao hơn điểm tối thiểu).
+ Tiêu chí 5: Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị: đánh giá đạt 45/49 tiêu chuẩn, tương ứng 51,48 điểm (đạt cao hơn điểm tối thiểu).
Còn lại các tiêu chuẩn chưa đạt bao gồm 05/63 tiêu chuẩn: Mật độ dân số toàn đô thị; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; nhà tang lễ; công trình xanh; khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Với kết quả đánh giá nêu trên, đô thị thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đáp ứng 05/05 tiêu chí và tổng số điểm của các tiêu chí đạt 89,04 điểm (đạt cao hơn điểm tối thiểu 75 điểm theo quy định), đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận đô thị thị xã Duyên Hải đạt tiêu chí đô thị loại IV theo quy định.
- Chương VI. Tóm tắt nội dung chương trình phát triển đô thị thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, gồm: Các chỉ tiêu phát triển đô thị chính cần đạt được trong các giai đoạn; các chỉ tiêu phát triển đô thị theo số lượng phường dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính; giải pháp khắc phục các tiêu chí còn thiếu; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kết quả dự kiến theo giai đoạn đến năm 2025 và 2026 - 2030; kết luận và kiến nghị.
Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về việc thông qua các Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn của một số xã trên địa bàn huyện Càng Long, Châu Thành và Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
Thông qua các quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn của một số xã trên địa bàn huyện Càng Long, huyện Châu Thành và Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; gồm 14 quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn tại các xã: An Trường, Phương Thạnh, An Trường A, Tân An, Mỹ Cẩm, Đức Mỹ (huyện Càng Long), xã Hòa Minh, Lương Hòa A, Hưng Mỹ, Mỹ Chánh, Long Hòa, Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành), xã Hiệp Hòa, Hiệp Mỹ Tây (huyện Cầu Ngang).
* Quy chế gồm 04 chương, 15 điều, trong đó:
Chương I. Quy định chung với 04 điều, gồm: mục tiêu, đối tượng và phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc quản lý kiến trúc.
- Chương II. Quản lý kiến trúc, không gian cảnh quan với 05 điều, gồm: định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan; yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù; quy định quản lý kiến trúc các loại hình công trình; quy định khác.
- Chương III. Quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị với 02 điều, gồm: các quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng theo pháp luật về Di sản văn hóa; các quy định quản lý công trình thuộc Danh mục công trình kiến trúc có giá trị đã được phê duyệt.
- Chương IV. Tổ chức thực hiện với 04 điều, gồm: tổ chức thực hiện quy chế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc; kiểm tra, báo cáo và xử lý vi phạm; điều chỉnh, bổ sung quy chế.
Nghị quyết số 29/NQ-HĐND phê duyệt kế hoạch, phương án hỗ trợ, phương án kiểm tra việc hỗ trợ và sử dụng kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm học 2023 - 2024
Phê duyệt Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 09/5/2024 của UBND tỉnh về phương án hỗ trợ, phương án kiểm tra việc hỗ trợ và sử dụng kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động trên địa bàn Trà Vinh năm học 2023 - 2024.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là lớp Mầm non độc lập Hạnh Phúc (ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) là cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (có 68,29% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại địa bàn nơi có nhiều lao động).
Nội dung và mức hỗ trợ: hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 01 lần, bao gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Thời gian hỗ trợ, trước ngày 30/6/2024.
Nghị quyết số 32/NQ-HĐND phê duyệt kinh phí hỗ trợ nghỉ việc, dôi dư đối với lực lượng Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng sau khi kiện toàn Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Nghị quyết phê duyệt tổng kinh phí 1.792.480.000 đồng để chi hỗ trợ nghỉ việc, dôi dư cho 372 người là lực lượng Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nghỉ việc, dôi dư sau khi kiện toàn Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với mức hỗ trợ mỗi năm công tác bằng 01 tháng phụ cấp hàng tháng hiện hưởng trước khi nghỉ việc. Kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại nghị quyết này được sử dụng từ ngân sách tỉnh.
Nghị quyết số 33/NQ-HĐND kết quả giám sát công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Nghị quyết tán thành với nội dung các Báo cáo số 37/BC-ĐGS, Báo cáo số 38/BC-ĐGS, Báo cáo số 39/BC-ĐGS, Báo cáo số 40/BC-ĐGS cùng ngày 14/6/2024 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh tại UBND huyện Tiểu Cần, UBND thành phố Trà Vinh, Sở Xây dựng, UBND tỉnh Trà Vinh với những kết quả nổi bật:
Giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh, các ngành, địa phương thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Thực hiện tốt công tác triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, như: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành và các chương trình, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến công tác quy hoạch, qua đó, giúp các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch.
Thực hiện dự toán chi phí phục vụ lập quy hoạch; thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị; việc công bố công khai, cung cấp thông tin quy hoạch được thực hiện theo luật định. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1142/QĐ- TTg, ngày 02/10/2023; chương trình phát triển nhà ở tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình phát triển đô thị tỉnh Trà Vinh đến năm 2030; chương trình phát triển đô thị thành phố Trà Vinh (mở rộng) tỉnh Trà Vinh đến năm 2030; 07/07 quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung thành phố Trà Vinh (mở rộng), tỉnh Trà Vinh đến năm 2045; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đến năm 2040.
Công tác quản lý phát triển đô thị từng bước được hoàn thiện; hoàn thành Đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh bền vững tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt 07 Quy chế quản lý kiến trúc đô thị; 13/13 đô thị có quy hoạch chung đô thị được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 13 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Trà Vinh đến 2023 đạt 31,10%.
Việc kêu gọi đầu tư các dự án phát triển nhà ở thực hiện tuân thủ định hướng phát triển theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt; trên địa bàn thành phố Trà Vinh có 04 dự án phát triển nhà ở đang triển khai. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị về giao thông, cấp, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng... từng bước được cải thiện, đồng bộ. Quan tâm thực hiện các chính sách về thu hút đầu tư, phát triển đô thị. Phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị theo quy định. Thực hiện công tác thanh tra về quy hoạch theo thẩm quyền.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Tiểu Cần, UBND thành phố Trà Vinh, Sở Xây dựng, UBND tỉnh thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh và báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực HĐND tỉnh đúng thời gian quy định tại các Báo cáo số 37, số 38, số 39 và số 40 của Đoàn giám sát. UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đô thị; tổ chức cắm mốc giới các đồ án quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai ngầm hóa các hạ tầng đô thị đối với các khu đô thị mới đúng theo quy hoạch; xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình việc ngầm hóa các hạ tầng đô thị đối với các khu đô thị hiện hữu nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, văn minh, hiện đại.
UBND tỉnh trong phạm vi, quyền hạn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện nghị quyết này vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2024.
Nghị quyết số 34/NQ-HĐND về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh Trà Vinh năm 2025
Năm 2025, HĐND tỉnh giám sát các nội dung: (1) Xem xét các văn bản trình tại kỳ họp HĐND tỉnh: báo cáo công tác 06 tháng đầu năm và báo cáo năm 2025 của Thường trực, các ban của HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm và báo cáo năm 2025 và một số báo cáo công tác chuyên đề khác. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2024, kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2025, kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ trong năm 2025 - HĐND tỉnh khóa X. Báo cáo về việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật và báo cáo khác theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh (nếu có). (2) Tiến hành hoạt động chất vấn và xem xét trả lời chất vấn. (3) Xem xét quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND tỉnh theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh (nếu có). (4) Tiến hành giám sát chuyên đề: 06 tháng đầu năm 2025, giám sát chuyên đề “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2024”, đối tượng chịu sự giám sát: UBND huyện Trà Cú, UBND thị xã Duyên Hải, Công an thành phố Trà Vinh; 06 tháng cuối năm 2025 giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện chính sách về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 - tháng 6/2025”, đối tượng chịu sự giám sát: UBND huyện Tiểu Cần, UBND huyện Châu Thành, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh.
Căn cứ vào Chương trình giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình giám sát; các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh căn cứ điều kiện và tình hình thực tế tổ chức hoạt động giám sát theo luật định.
Nghị quyết số 35/NQ-HĐND thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2024
Thành lập Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2024” với thành phần: Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Phó Trưởng đoàn; các Ủy viên của Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, một số đại biểu HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo một số tổ chức thành viên của UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm thành viên.
Phạm vi giám sát: Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2024. Đối tượng giám sát: UBND huyện Trà Cú, UBND thị xã Duyên Hải, Công an thành phố Trà Vinh. Nội dung giám sát: đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2024; kiến nghị giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đoàn giám sát có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND tỉnh; trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.
Nghị quyết số 36/NQ-HĐND kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khóa X và các kiến nghị còn tồn đọng tại các kỳ họp trước
Nghị quyết tán thành với nội dung Báo cáo số 32/BC-HĐND, ngày 06/6/2024 của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khóa X và các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn tồn đọng tại các kỳ họp trước với những đánh giá về kết quả đạt được, như:
Sau các đợt tiếp xúc cử tri, ý kiến, kiến nghị được UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp gửi đến đều được UBND tỉnh kịp thời phân công và theo dõi, đôn đốc các sở, ban ngành, địa phương có thẩm quyền trả lời, giải quyết. Qua xem xét 87 ý kiến, kiến nghị của cử tri, có 61 ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời thỏa đáng (chiếm 70,11% so với tổng số ý kiến, kiến nghị), 26 ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời đang thực hiện hoặc sẽ thực hiện trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đưa vào danh mục cần tiếp tục theo dõi kết quả thực hiện.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết kịp thời, thỏa đáng và trả lời việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với kiến nghị của cử tri. Chỉ đạo các đơn vị sớm triển khai thực hiện và báo cáo kết quả đến Thường trực HĐND tỉnh khi đã thực hiện xong đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời đang thực hiện hoặc sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Nghị quyết số 37/NQ-HĐND về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa X
Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa X, Chủ tọa kỳ họp nhận được 19 câu hỏi chất vấn của 14 lượt đại biểu HĐND tỉnh, 23 ý kiến phản ánh của cử tri gửi trực tiếp đến Chủ tịch UBND tỉnh và 07 giám đốc sở, ngành (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh).
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thống nhất chất vấn đối với 03 giám đốc sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh; phiên chất vấn có 12 lượt đại biểu chất vấn với 12 câu hỏi, 01 lượt đại biểu truy vấn và 20 ý kiến phản ánh của cử tri đối với lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với các câu hỏi không được chất vấn trực tiếp tại hội trường, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh để trả lời bằng văn bản gửi đại biểu HĐND tỉnh và cử tri theo luật định.
HĐND tỉnh thống nhất đánh giá, sau 01 buổi chất vấn với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, diễn ra sôi nổi, trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp. HĐND tỉnh đánh giá cao sự tập trung của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách với những kết quả tích cực, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, HĐND tỉnh cơ bản tán thành với các giải pháp của Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc 03 sở, ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an tỉnh trả lời tại phiên chất vấn.
HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:
1. Đối với lĩnh vực xây dựng: Có giải pháp xử lý khắc phục kịp thời các vị trí sụp lún cục bộ ở các tuyến đường; mời gọi các chuyên gia lĩnh vực thoát nước đô thị hỗ trợ, nghiên cứu và có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng sụp lún khi triển khai Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Trà Vinh (giai đoạn 2). Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Dự án Nhà ở xã hội để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thu nhập thấp nắm được thông tin và tiếp cận nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hướng dẫn quy trình, thủ tục mua nhà, điều kiện, đối tượng, trình tự vay vốn; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Dự án Nhà ở xã hội đảm bảo đúng quy trình bán nhà ở xã hội, đúng đối tượng, thực hiện công khai giá bán và bán nhà ở xã hội đúng theo giá đã được phê duyệt. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán qua nhà ở xã hội qua trung gian. Đẩy mạnh các biện pháp kêu gọi đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh nhằm triển khai thực hiện dự án góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng rác thải trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện theo phân cấp của UBND tỉnh thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình đúng quy định, phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, điểm dân cư nông thôn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là việc cấp phép cho các doanh nghiệp.
2. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải: Tranh thủ các bộ, ngành Trung ương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; phối hợp triển khai thi công các dự án trọng điểm, như: cầu Đại Ngãi; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 53 (đoạn Long Hồ - Ba Si), nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 54; đầu tư xây dựng Quốc lộ 60 đoạn qua tỉnh Trà Vinh; tuyến đường Hành lang ven biển, cầu Cổ Chiên 2, tuyến Số 5, Khu Bến tổng hợp Định An; phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và UBND thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển nhằm tăng cường kết nối đường thủy… từng bước hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông góp phần thực hiện kêu gọi đầu tư trong việc hình thành dịch vụ vận tải logistics trên địa bàn tỉnh.
Triển khai Dự án Xây dựng Đường huyện 6 kéo dài từ giáp Quốc lộ 60, xã Hiếu Tử đến giáp Đường tỉnh 912, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần đảm bảo theo kế hoạch. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra, khảo sát để đề xuất việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ để phản ánh theo thẩm quyền; ưu tiên đầu tư các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong Nhân dân. Tiếp tục tham mưu cấp thẩm quyền bổ sung nguồn vốn để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, dặm vá mặt đường; triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập cục bộ ở các tuyến đường vào mùa mưa để đảm bảo an toàn giao thông. Thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông,
3. Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người dân để phòng ngừa thủ đoạn của tội phạm bằng nhiều hình thức (tuyên truyền qua tin nhắn SMS, qua các trang zalo của Công an tỉnh…), có giải pháp phối hợp quản lý chặt hoạt động mở tài khoản ngân hàng, phong tỏa kịp thời tài khoản của các đối tượng có liên quan đến hoạt động phạm tội; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng kích hoạt sim có thông tin không chính chủ (sim rác), nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên; triển khai, thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tại cơ sở cai nghiện ma túy; phối hợp quản lý các loại tiền chất, thuốc tân dược gây nghiện, thuốc hướng thần có liên quan đến ma túy không để các đối tượng lợi dụng sản xuất ma túy.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là việc thực hiện quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình “Lực lượng Cảnh sát giao thông phản ứng nhanh với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn”, “Cổng trường an toàn giao thông”. Duy trì tốt hoạt động của Tổ tự quản theo hình thức tự nguyện và nghiên cứu giải pháp vận động xã hội hóa hỗ trợ Tổ tự quản hoạt động trong thời gian tới. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động, thuyết phục các cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt. Rà soát thời hạn, thời hiệu thi hành các quyết định xử phạt trong phạm vi quản lý để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các cá nhân bị xử phạt; có giải pháp xử lý đối với trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt.
4. Đối với việc triển khai các dự án, công trình: Đối với các công trình, dự án được Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, trả lời tại hội trường rất cụ thể. Sau kỳ họp, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành địa phương tiếp tục thực hiện. Kiểm tra, đôn đốc, có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư triển khai hoàn thành Dự án Khu nhà ở Thương mại và Dịch vụ thương mại, Dự án Khu Bến tổng hợp Định An theo tiến độ cam kết; trường hợp Nhà đầu tư không thực hiện theo đúng cam kết thì xử lý theo đúng quy định. Rà soát, đánh giá kỹ Dự án Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu các cửa Cung Hầu, nghiên cứu có giải pháp nạo vét để đảm bảo nơi trú ẩn cho tàu thuyền đánh cá của huyện Cầu Ngang và các huyện lân cận. Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường tại những vị trí hư hỏng. Tiếp tục đầu tư hệ thống cống thoát nước, vỉa hè và hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến đường Số 01 - Khu Kinh tế Định An; trên cơ sở cân đối nguồn vốn đầu tư công có kế hoạch cải tạo, nâng cấp tuyến đường Số 01 và tuyến đường Số 02 - Khu Kinh tế Định An.
Có giải pháp hỗ trợ phát triển hoạt động của doanh nghiệp và hợp tác xã. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025”. Đối thoại, trao đổi doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đổi mô hình sản xuất, tham gia vào các chuỗi liên kết. Chuyển giao, ứng dụng đổi mới công nghệ thiết bị, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Tập trung triển khai quyết liệt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, giảm dần sản xuất manh mún, tự phát của hộ gia đình.
Nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025. Tranh thủ ý kiến của bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thuộc Khu tái định cư Bào Sen, Khu quy hoạch Sân bay ở Khóm 4, Phường 1, thị xã Duyên Hải theo quy định; có giải pháp xử lý vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Khu tái định cư Cảng cá Láng Chim.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh trong phạm vi, quyền hạn chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nêu trên vào Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 - HĐND tỉnh khóa X.
KIM LOAN
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024, tỉnh Trà Vinh có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện IUU so với năm 2023. Tuy nhiên, tỉnh Trà Vinh cần giải quyết dứt điểm tàu “03 không” trước ngày 20/11.