15/03/2022 17:14
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh thông qua Quyết định số 471/QĐ-UBND, ngày 01/3/2022 của UBND tỉnh về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Trà Vinh (Tổ công tác) với 24 thành viên. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện làm tổ trưởng, 04 tổ phó và 19 thành viên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện phát biểu tại cuộc họp.
Lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương (tổ phó Tổ công tác) báo cáo tình hình hoạt động kinh tế tập thể, xây dựng sản phẩm OCOP, hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử… trên địa bàn tỉnh. Trong đó, toàn tỉnh hiện có 01 liên hiệp HTX, 172 HTX đang hoạt động, thu hút 29.130 thành viên tham gia, vốn điều lệ trên 170,6 tỷ đồng. Nhận thức của cán bộ, Nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh, có 80 sản phẩm được công nhận đạt OCOP (05 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 09 sản phẩm đạt 4 sao; 66 sản phẩm đạt 3 sao) thuộc 09 HTX, 09 công ty, 02 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh. Hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, tham gia các gian hàng trực tuyến được ngành chức năng tích cực thực hiện.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động kinh tế tập thể, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa… của tỉnh còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, công tác tuyên truyền về sản phẩm OCOP chưa sâu, nhiều người chưa hiểu lợi ích qua đăng ký thực hiện sản phẩm đạt OCOP. Nguồn lực kinh tế, con người tham gia hoạt động kinh tế hợp tác, thực hiện quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế. Qua đó, ngành chuyên môn đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP, xác định lại những ngành hàng chủ lực của từng địa phương, quyết liệt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đạt chuẩn OCOP.
Đại biểu tham dự trình bày nhiều ý kiến liên quan về hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh củng cố, phát triển sản phẩm, tuyên truyền người sản xuất nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử. Quan tâm chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt chú ý những sản phẩm đặc trưng của tỉnh (dừa sáp, mật hoa dừa, tôm khô…) nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm nâng tầm quốc tế. Ngoài ra, quan tâm tìm “người đầu tàu” tâm huyết trong hoạt động của HTX, có kế hoạch hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động và nâng tầm chất lượng sản phẩm.
Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương phát biểu về hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử tại cuộc họp.
Năm 2022 và những năm tiếp theo, các địa phương cấp huyện, xã rà soát lại sản phẩm, tuyên truyền để người sản xuất tham gia đăng ký sản phẩm OCOP, nhằm nhận được đồng thuận của người dân. Các địa phương quan tâm chủ động xây dựng lại kế hoạch củng cố và hỗ trợ HTX, lưu ý xây dựng sản phẩm OCOP. Nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản là thế mạnh của tỉnh theo hướng liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từng ngành hàng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên của Tổ công tác. Đồng thời, thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác (lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ làm tổ trưởng), thống nhất chế độ báo cáo hàng tháng gởi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các thành viên. Từ đó, có biện pháp hỗ trợ củng cố hoạt động HTX, phát triển mới các sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng lợi nhuận sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm theo hướng liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Tin, ảnh: NGỌC XOÀN
Ngày 14/11/2024, đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Trà Vinh ký ban hành Kế hoạch số 91/KH-BCĐ về triển khai đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2024).