09/12/2022 07:10
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đặt ra nhiều vấn đề trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: một số khoản thu phí tại nhà trường, tình trạng thiếu giáo viên mầm non kéo dài, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer, thiếu sách giáo khoa môn ngữ văn Khmer.
Đại biểu Lâm Văn Phong, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tiểu Cần chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: cử tri nhiều nơi trong tỉnh phản ánh, hiện nay các khoản thu (ngoài thu học phí) đầu năm học 2022 - 2023 trong học sinh chưa thống nhất, đồng bộ ở các bậc học mầm non và giáo dục phổ thông. Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết các khoản thu nào được thu trong học sinh và khoản thu nào thu theo thỏa thuận trong năm học 2022 - 2023 để cử tri biết và thực hiện theo đúng quy định. Giải pháp của Giám đốc Sở trong thời gian tới như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Trả lời vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: thứ nhất, đối với các khoản được thu trong học sinh: thu học phí theo nghị quyết của HĐND tỉnh và thu bảo hiểm y tế của học sinh (theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì bắc buộc thực hiện).
Thứ hai, các khoản thu theo thỏa thuận, tại một số cơ sở giáo dục đang thực hiện thỏa thuận, thu hộ, chi hộ cho học sinh như sau: (1) đối với bậc mầm non: tiền bán trú (gồm tiền ăn, nước uống, thuê nấu ăn, thuê vệ sinh, phục vụ bán trú), học phẩm, đồ dùng học tập, sổ theo dõi sức khỏe, bảo hiểm thân thể; (2) đối với bậc tiểu học: dịch vụ liên lạc phụ huynh học sinh (sổ liên lạc điện tử), bảo hiểm thân thể, học bạ học sinh (đầu cấp lớp 1); (3) đối với bậc THCS và THPT: dạy thêm trong nhà trường (ôn thi tốt nghiệp THPT hàng năm), dịch vụ liên lạc phụ huynh học sinh, bảo hiểm thân thể, phù hiệu, thẻ đeo học sinh, giấy làm bài kiểm tra.
Thời gian tới, để thực hiện đồng bộ, thống nhất các khoản thu, mức thu cụ thể, đồng thời có cơ sở để cơ quan, đơn vị có trách nhiệm liên quan phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý thu, chi các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường, trách tình trạng lạm thu gây bức xúc cho Nhân dân đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Trà Vinh dựa trên cơ sở một số văn bản như: Luật Giáo dục ngày 14/6/2019; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 08/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ; Nghị định số 24/2021/NĐ-CP, ngày 23/3/2021 của Chính phủ.
Theo đó, các khoản thu dịch vụ theo dự thảo nghị quyết có quy định khung mức trần: dịch vụ bán trú (tiền ăn, tiền thuê nấu ăn, thu hỗ trợ trực trưa bảo vệ - quản lý, hỗ trợ quản lý tài chính bán trú, phục vụ tổ chức ăn sáng), dạy 02 buổi/ngày (ngoài giờ chính khóa), giữ trẻ ngày nghỉ, dạy các hoạt động tự chọn ngoài chương trình (tiếng Anh, tin học, tăng tiết).
Một số khoản thu không quy định mức trần: các cơ sở giáo dục thực hiện thỏa thuận với phụ huynh học sinh một số khoản thu phù hợp, đáp ứng yêu cầu của nhà trường để cung cấp các hoạt động giáo dục tại đơn vị gồm: tổ chức bán trú (bồi dưỡng người phục vụ, mua sắm thiết bị, đồ dùng phục vụ bán trú), đồng phục học sinh, phù hiệu, thẻ đeo, sổ liên lạc, học bạ học sinh, dịch vụ liên lạc phụ huynh, giấy kiểm tra, thuê hồ bơi, hướng nghiệp ngoài giờ học chính khóa.
Tùy thuộc vào tình hình thực tế từng địa phương, các cơ sở giáo dục thỏa thuận với cha mẹ học sinh để xác định mức thu cụ thể cho từng đơn vị. Các mức thu được đưa vào dự thảo nghị quyết không mang tính chất bắt buộc, các cơ sở giáo dục thực hiện thu trên tinh thần tự nguyện và ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông
Đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý hoạt động kéo cáp của hệ thống các nhà mạng; giải pháp thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025; việc phát triển và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh trong thời gian tới.
Đại biểu Trương Văn Toàn, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tiểu Cần chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: thực hiện chủ trương chung về tăng cường nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương, ngày 26/01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Trà Vinh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Phấn đấu chỉ số chuyển đổi số nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng ít nhất một nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2030, hoàn thành chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, trở thành tỉnh khá trong cả nước về chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tối thiểu 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng ít nhất một nền tảng số trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay việc ứng dụng và triển khai chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp căn cơ nhất để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra?
Trả lời vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Nầy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: để góp phần triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, nền tảng số đồng bộ, đảm bảo an toàn thông tin.
Về hạ tầng số, mạng truyền dẫn cáp quang được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn; hiện toàn tỉnh không còn vũng lõm sóng viễn thông, Internet cố định, di động băng rộng; 85/85 xã có điểm phục vụ bưu chính; mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 150 cơ quan; trên 98% công chức, viên chức cơ quan nhà nước được trang bị máy tính. Trung tâm dữ liệu của tỉnh đầu tư hiện đại.
Về hạ tầng dữ liệu, nền tảng số, đã xây dựng xong kho dữ liệu dùng chung, hệ thống khai thác kho dữ liệu dùng chung; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; đã chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực hỗ trợ các cơ quan có liên quan khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, số hóa quy trình thủ tục hành chính; xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Cổng dịch vụ công.
Đối với các ứng dụng dùng chung trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước, đã triển khai 06 ứng dụng dùng chung như: i-office, email công vụ, hội nghị truyền hình, ISO điện tử…
Lĩnh vực an toàn thông tin mạng, xây dựng trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng bảo đảm năng lực phục vụ công tác giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên phạm vi toàn tỉnh, kết nối thông suốt đến Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Về phát triển kinh tế số, trên địa bàn tỉnh có 300 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin, có 125 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh với 638 sản phẩm, 68.017 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn
Về phát triển xã hội số, 100% ấp, khóm trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng cố định, di động; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%; trên 60% dân số trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh. Tổng số người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch 646.721 người; tài khoản Mobile Money trên địa bàn 30.909 tài khoản. Chỉ số chuyển đổi số tỉnh năm 2021, xếp hạng 26/63 tỉnh thành phố.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu nghị quyết đề ra, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò và tính cấp thiết của chuyển đổi số, trong đó xác định cán bộ, công chức, viên chức tham gia và thực hiện chuyển đổi số; người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích và những giá trị to lớn, thiết thực mà chuyển đổi số mang lại.
Tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng số; đẩy nhanh triển khai ứng dụng toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công nghệ số hỗ trợ giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý ngành, lĩnh vực, nhất là tiếp tục áp dụng đồng bộ các các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh hỗ trợ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, hỗ trợ công tác văn thư, lưu trữ tài liệu điện tử; đẩy nhanh tiến độ số hóa; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; họp trực tuyến, họp không giấy tờ.
Tập trung phát triển dữ liệu, xây dựng nền tảng số; tiếp tục vận hành trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng bảo đảm năng lực phục vụ công tác giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên phạm vi toàn tỉnh, kết nối thông suốt đến Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững; tăng cường công tác hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân bằng nhiều hình thức; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số hình thành nên công dân số, văn hóa số; triển khai các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cần thiết cho các hoạt động chuyển đổi số…
Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm tình hình dịch tả heo Châu Phi, giải pháp dập dịch trong thời gian tới, giá cả vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi.
Đại biểu Trương Văn Toàn, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tiểu Cần chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hiện nay, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy tình hình dịch bệnh xảy ra phức tạp, có tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi heo bệnh không báo chính quyền địa phương mà tự xử lý (có trường hợp bán cho thương lái tiêu thụ ra thị trường), điều này gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao làm thiệt hại kinh tế của Nhân dân và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của tỉnh, trong đó có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng khi mua phải thịt heo bệnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp gì để dập dịch một cách căn cơ, hiệu quả, nhằm đảm bảo duy trì sản xuất của Nhân dân và chỉ tiêu của ngành chăn nuôi trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: từ cuối tháng 9/2022 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh, tại 08 xã của 03 huyện: Cầu Ngang 03 xã (Nhị Trường, Hiệp Hòa và Long Sơn), Cầu Kè 03 xã (Tam Ngãi, Phong Thạnh, Thông Hòa), Trà Cú 02 xã (Tân Hiệp, Ngọc Biên). Đến nay đã tiêu hủy 574 con heo, trọng lượng 25.203 kg của 25 hộ chăn nuôi.
Đến thời điểm này, huyện Cầu Kè đã công bố hết dịch, huyện Trà Cú đã qua 21 ngày đang lập thủ tục công bố hết dịch và huyện Cầu Ngang có 01 xã (Nhị Trường) đã qua 21 ngày. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 02 xã của huyện Cầu Ngang (Hiệp Hòa và Long Sơn). Có thể nói công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh tương đối tốt.
Trong công tác phòng chống, dịch, khi phát hiện dịch bệnh xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) phối hợp với địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định (tổ chức tiêu hủy ngay heo mắc bệnh, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, môi trường, xây dựng bản đồ dịch tễ, khoanh vùng dịch). Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong Nhân dân về tình hình dịch bệnh để người dân nắm, hiểu và có phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, đến thời điểm này cơ bản ổn.
Hướng tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, giám sát và xử lý triệt để tình hình dịch đối với 02 xã còn lại của huyện Cầu Ngang, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan qua những địa bàn khác. Tiếp tục duy trì các giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong dân về tình hình và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tiếp tục tăng cường áp dụng các giải pháp chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra để bảo vệ địa bàn, bảo vệ sản xuất cho người chăn nuôi.
Lĩnh vực công thương
Đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đặc biệt quan tâm đến giải pháp kiểm tra, kiểm soát việc cung ứng xăng và kiểm soát giá cả thị trường trong dịp Tết; giải pháp về nguồn điện để đáp ứng nhu cầu cho các hộ sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Thạch Thị Sô Quươn, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tiểu Cần chất vấn Giám đốc Sở Công thương: nhiều ý kiến cử tri lo lắng, băn khoăn về tình hình giá cả một số mặt hàng nông sản thấp, giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhất là tình hình xăng dầu ở một số nơi không đảm bảo cung cấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chuẩn bị vào dịp tết Nguyên Đán năm 2023. Thời gian tới, Giám đốc Sở Công thương có giải pháp gì để kiểm soát giá cả, đảm đảm bảo về nguồn hàng, nhất là xăng dầu, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết, đảm bảo cho người dân được vui xuân đón Tết.
Trả lời vấn đề này đồng chí Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương cho biết: giá hàng hóa là do doanh nghiệp quyết định và công bố giá bán (trừ những mặt hàng do Nhà nước quy định). Để kiểm soát việc bán hàng hóa đúng giá quy định, Sở Công Thương phối hợp với Quản lý thị trường và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền các cơ sở kinh doanh; kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán giá đúng niêm yết, nếu cơ sở nào bán giá cao hơn quy định sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Về đảm bảo về nguồn hàng, nhất là xăng dầu, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết, đảm bảo cho người dân được vui xuân đón Tết, đối với nguồn xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh cam kết đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Về đảm đảm bảo nguồn hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu tết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2022 và tết Nguyên Đán năm 2023. Cùng với đó, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết. Kết quả, có 27 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia, gồm các nhóm như: lương thực, thực phẩm, tiêu dùng; mặt hàng sữa; mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng. Mặt khác, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi diễn biến tình hình cung cầu, giá cả trên thị trường để tham gia điều tiết thị trường.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Chiều nay (22/11), HĐND huyện Duyên Hải khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) để thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.