14/09/2023 20:13
Quang cảnh buổi làm việc.
Đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia đoàn giám sát. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT-DL; Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL; trưởng, phó các phòng, giám đốc trung tâm trực thuộc Sở VH-TT-DL.
Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên hơn 2.340km2, gồm 07 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố. Toàn tỉnh có 370 cơ sở tôn giáo, trong đó, có nhiều ngôi chùa cổ kính của cộng đồng các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa được hình thành trong quá trình sinh sống bao đời trên vùng đất Trà Vinh, vừa có giá trị về mặt văn hóa lịch sử, cách mạng, kiến trúc nghệ thuật và cũng là các điểm đến thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch đến tỉnh hàng năm.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lâm Hữu Phúc cho biết: trong định hướng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh xác định loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa, mang nét đặc trưng văn hóa Khmer là sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao.
Biểu diễn múa nghệ thuật Khmer.
Nằm ở vị trí tiếp giáp với Biển Đông, Trà Vinh vừa có hệ sinh thái nước mặn, nước lợ và nước ngọt, địa hình có nhiều đất gò, giồng cát xen kẽ hệ thống sông ngòi chằng chịt hình thành nên vùng đất trù phú, nhiều sản vật, các loại cây lương thực, cây ăn trái… đây là một lợi thế đã tạo nên sự đa dạng trong các loại hình du lịch, là điều kiện lý tưởng để khám phá, trải nghiệm về du lịch theo cung đường từ sông ra biển, đường bộ, đường biển và đường sông.
Trên cơ sở tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, tỉnh Trà Vinh xác định du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch biển, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp là những sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế của tỉnh.
Khách tham quan và tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer (thành phố Trà Vinh).
Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 125 cơ sở lưu trú du lịch (03 nhà khách, 08 khách sạn 02 sao, 12 khách sạn 01 sao, 03 homestay và 99 cơ sở đạt chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch), 01 Trung tâm Thương mại Vincom; 08 công ty lữ hành nội địa; 01 công ty lữ hành quốc tế; 15 nhà hàng ẩm thực kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm; 05 cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP tại Khu Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om, Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Khu du lịch biển Ba Động, 01 cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP tại Trung tâm Xúc tiến du lịch và 01 cửa hàng tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Năm 2022, tổng lượt khách đạt khoảng 1,445 triệu lượt khách tham quan (đạt 263% kế hoạch năm, tăng 219% so với năm 2021), trong đó, có 18.400 lượt khách quốc tế, hơn 1,426 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu đạt 898,700 tỷ đồng (đạt 473% kế hoạch năm, tương ứng tăng 495% so năm 2021).
06 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách đạt trên 1,120 triệu lượt khách tham quan (đạt 69,26% kế hoạch năm, tăng 354% so cùng kỳ), trong đó, có 26.265 lượt khách quốc tế, trên 1,094 lượt khách nội địa; tổng doanh thu đạt 921,020 tỷ đồng (đạt 91,64 % kế hoạch năm, tăng 627% so cùng kỳ).
Khách tham quan danh thắng Ao Bà Om.
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025, Sở VH-TT-DL tiếp nhận và có văn bản chấp thuận đối với 25 tổ chức, hộ gia đình đăng ký hỗ trợ theo Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh bao gồm các nội dung hỗ trợ, như: hỗ trợ đầu tư làm du lịch cộng đồng (đầu tư homestay, farmstay; chỉnh trang nhà cửa mua sắm trang thiết bị, xây dựng không gian đón khách; câu lạc bộ, đội văn nghệ tại các nơi có kết nối đón và phục vụ du khách), hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh; hỗ trợ đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển khách du lịch… Qua thẩm định, có 05 hộ kinh doanh đủ điều kiện theo quy định và trình UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí giải ngân hỗ trợ, với tổng số tiền gần 330 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch phát biểu tại buổi làm việc.
Qua đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy, Sở VH-TT-DL giao Trung tâm Xúc tiến du lịch, Phòng Quản lý văn hóa du lịch và Phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thị xã, thành phố… thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh đã được giải ngân theo Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đã được hỗ trợ.
Đồng chí Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL phát biểu tại buổi làm việc.
Cùng với đó, tình hình hoạt động kinh doanh du lịch của một số tổ chức, đơn vị, cá nhân đã được giải ngân (05 cơ sở kinh doanh du lịch nhận được chính sách hỗ trợ) đang hoạt động hiệu quả, ổn định và phát triển.
Đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Việc chỉnh trang, sửa chữa nhà cửa để đón khách du lịch của 04 cơ sở tại Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (Châu Thành) và Cồn Hô (Càng Long) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, góp phần giải quyết việc quá tải khách du lịch vào các ngày nghỉ, lễ, tết được thực hiện tốt; Nhà hàng Thanh Trà Quán tại Cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) đi vào hoạt động đã tạo thêm sản phẩm cho du lịch của tỉnh. Đến nay, không có cơ sở, điểm khu du lịch nhận được chính sách hỗ trợ phát triển du lịch ngưng hoạt động.
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phát triển du lịch cũng như việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Nhiều ý kiến đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở VH-TT-DL đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác quảng bá, kết nối và xúc tiến du lịch cũng như việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Đồng chí Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tiếp thu và giải trình một số ý kiến do thành viên đoàn giám sát đặt ra.
Đồng chí Dương Hoàng Sum cho biết: thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL luôn quan tâm chỉ đạo đến công tác phát triển du lịch, làm chuyển biến nhận thức về du lịch của các cấp chính quyền cũng như tư duy làm du lịch của các hộ dân, do vậy, các địa phương cũng quan tâm hơn đến công tác phát triển du lịch.
Riêng trong quá trình thực hiện chính sách phát triển du lịch, Sở VH-TT-DL nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành, địa phương nên kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục có liên quan để việc giải ngân đảm bảo theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Khiêm phát biểu kết luận buổi giám sát.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Khiêm đánh giá cao công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian qua của Sở VH-TT-DL cũng như có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối và xúc tiến du lịch; phối hợp với các sở, ngành và địa phương xây dựng nhiều sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương để thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, chú trọng và tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nghị quyết phải thực sự phát huy được hiệu quả.
Tin, ảnh: KIM LOAN
Ngày 22/11, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ năm 2024. Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy - Bộ Chỉ huy; đại diện các cơ quan, đơn vị trong BĐBP tỉnh.