05/04/2024 14:31
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Phạm Tiết Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự, có lãnh đạo các phòng, văn phòng, ban trực thuộc UBMTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Hội đồng tư vấn UBMTTQ Việt Nam tỉnh.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, có đồng chí Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Sở, đại diện Ban Giám hiệu một số trường THPT, tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, do nhu cầu đổi mới chương trình giáo dục nên nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhất là các môn: Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật thiếu nhiều giáo viên.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Theo quy định mới của ngành giáo dục, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, cấp tiểu học, môn Tin học và tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc; cấp THPT có thêm môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Những năm qua, công tác tuyển dụng của Sở Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thị xã, thành phố đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên môn Tin học và tiếng Anh, số lượng nộp hồ sơ dự tuyển không đủ, kết quả đạt không đáp ứng theo nhu cầu. Từ đó, nhiều năm qua ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh thiếu giáo viên giảng dạy mầm non, tiểu học và giáo viên giảng dạy các môn Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Cụ thể, cấp học mầm non, năm học 2023 - 2024 cần bổ sung 337 giáo viên; dự kiến năm học 2024 - 2025 cần bổ sung 129 giáo viên. Cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024 cần bổ sung 310 giáo viên; dự kiến năm học 2024 - 2025 cần bổ sung 147 giáo viên. Cấp THCS, năm học 2023 - 2024 cần bổ sung 19 giáo viên; dự kiến năm học 2024 - 2025 cần bổ sung 09 giáo viên. Cấp THPT, năm học 2023 - 2024, cần bổ sung 08 giáo viên.
Ông Trần Phát, đại diện Hội đồng Tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo MTTQ tỉnh có ý kiến cần quy định rõ về đối tượng áp dụng cũng như thời gian áp dụng và thời điểm kết thúc chính sách hỗ trợ thu hút.
Theo dự thảo chính sách hỗ trợ, mỗi giáo viên khi được tuyển dụng sẽ được trợ cấp 50 triệu đồng/giáo viên/năm, mức hỗ trợ được trả một lần. Đối tượng áp dụng là giáo viên giảng dạy ở bậc mầm non, tiểu học và các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật được tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.
Đa số các đại biểu đều có ý kiến thống nhất về sự cần thiết ban hành nghị quyết để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong việc thiếu giáo viên trong các trường, cơ sở giáo dục công lập. Nhiều đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ thu hút 50 triệu đồng/giáo viên/năm là chưa thỏa đáng, cần tăng mức hỗ trợ cho phù hợp. Đại biểu cũng có ý kiến phản biện, cần quy định rõ về đối tượng áp dụng cũng như thời gian áp dụng và thời điểm kết thúc.
Ngoài ra, đại biểu cũng băn khoăn về việc triển khai thực hiện thu hút giáo viên có bị trùng lắp với thời điểm cả nước được tăng mức lương cơ sở, nếu như vậy sẽ bị chồng chéo, trong quá trình hỗ trợ thu hút cần tính đến yếu tố về địa lý, kinh tế, xã hội của từng địa phương nhằm đảm bảo tính công bằng. Đồng thời, với việc hỗ trợ để thu hút nguồn giáo viên, cũng cần quan tâm đến đối tượng giáo viên đã bám trụ theo nghề từ nhiều năm qua, nhằm đảm bảo tính công bằng, tạo động lực để các giáo viên cũ tiếp tục gắn bó với nghề.
Đại biểu Trần Thị Kiều Chinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trúc Xanh, xã Nhị Long, huyện Càng Long có ý kiến cần tăng mức hỗ trợ thu hút cho giáo viên mầm non.
Một số đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ thu hút chỉ là giải pháp tình thế, ngành, giáo dục và các ngành liên quan cần có những biện pháp dài hơi trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với giáo viên nói riêng người làm công tác giáo dục nói chung để đảm bảo đời sống và chất lượng cuộc sống cho giáo viên, từ đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông để đông đảo cán bộ, Nhân dân và nhất là các giáo viên, sinh viên ngành sư phạm biết đến chính sách này.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Tiết Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, các ý kiến đóng góp đều rất tập trung, sát với nội dung và rất chất lượng. Các ý kiến đều khẳng định về sự cần thiết của việc xây dựng chính sách.
Đồng chí Phạm Tiết Cường đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu theo các ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, theo lĩnh vực chuyên môn tiếp thu và quyết định mức độ tiếp các ý kiến đóng góp. Đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia phản biện xã hội nắm bắt, nghiên cứu nội dung dự thảo để phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đồng thuận, thực hiện khi văn bản chính thức được ban hành.
Tin, ảnh: THANH NHÃ
Ngày 14/11/2024, đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Trà Vinh ký ban hành Kế hoạch số 91/KH-BCĐ về triển khai đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2024).