17/01/2020 08:51
1. Lập làng
Sau khi thôn tính được 06 tỉnh Nam kỳ từ tay chính quyền phong kiến Việt Nam (1867), 32 năm sau, ngày 20/12/1899, toàn quyền Đông Dương Pháp Paul Doumer ban hành Nghị định thành lập bộ máy hành chính thuộc địa ở Nam kỳ gồm 20 tỉnh, trong đó có tỉnh Trà Vinh (Tra Vinh province), trên cơ sở phủ Lạc Hóa được tách ra từ tỉnh Vĩnh Long và chính thức được thi hành từ ngày 01/01/1900. Tỉnh Trà Vinh được thành lập lúc đó có 05 quận, 20 tổng, 180 làng, dân số chung 184.215 người. Tổng Thành Hòa Thượng, quận Bắc Trang lúc này có 07 làng như: An Nghiệp (dân số 767), An Thới (dân số 1.857), Củ Hanh (dân số 618), Long Ngãi (dân số 729), Long Vĩnh (dân số 2.437), Ngãi Lục (dân số 826), Ngãi Thập (dân số 1.497). Tổng dân số 07 làng lúc bấy giờ là 8.771 người. Mỗi làng được đặt dưới sự cai trị của bộ máy Hương chức, gồm 12 vị hương chức trưởng. Người đứng đầu tỉnh lúc bấy giờ được gọi là chủ tỉnh (thay cho chức tham biện trước đó). Long Vĩnh là làng đông dân nhất trong tổng Thành Hòa Thượng, quận Bắc Trang lúc mới thành lập.
Năm 1928, do yêu cầu cải tổ bộ máy hành chính thuộc địa, toàn quyền Đông Dương Pháp cho nhập các làng lại. 07 làng của Tổng Thành Hòa Thượng được nhập lại còn 04 làng gồm: An Thới, Đại Dư, Hàm Giang và Long Vĩnh, thuộc tổng Thành Hòa Thượng, quận Bắc Trang.
Tháng 11/1940, Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định đổi tên quận Bắc Trang thành quận Trà Cú. Từ đây, làng Long Vĩnh thuộc quận Trà Cú.
Trải qua 120 năm, đến năm 2020, dân số làng Long Vĩnh tăng gấp 5,7 lần lúc mới thành lập.
Được thành lập vào mùa Xuân năm 1930 và hoạt động cao trào, đến năm 1931 - 1933, Chi bộ Đảng ở làng Mỹ Long, quận Cầu Ngang bị giặc Pháp đàn áp. Đảng viên Đỗ Xuân Quang của Chi bộ làng Mỹ Long chưa bị lộ thân thế nên được Quận ủy Cầu Ngang đưa về quê vợ tại làng Long Vĩnh, quận Bắc Trang, với vai thầy giáo Sành, làm nghề dạy học để tránh sự tầm nã của giặc Pháp. Tại làng Long Vĩnh, thầy giáo Sành (đảng viên Đỗ Xuân Quang) giáo dục quần chúng giác ngộ cách mạng và vận động họ vào Đảng. Được sự giới thiệu của đảng viên Đỗ Xuân Quang, ngày 04/9/1933, tại ấp Cái Đôi, Bí thư Quận ủy Cầu Ngang, ông Dương Công Nữ đứng ra kết nạp 03 quần chúng gồm các ông: Nguyễn Văn Qúi (thầy giáo), Nguyễn Văn Cơ (thợ bạc) và Nguyễn Minh Nghị vào Đảng và phân công cho ông Đỗ Xuân Quang giữ chức Bí thư Chi bộ. Do vậy, vào thời điểm này, làng Long Vĩnh thuộc đơn vị hành chính quận Bắc Trang, nhưng Chi bộ Đảng lại thuộc Quận ủy Cầu Ngang. Trải qua 87 năm ra đời và trưởng thành (1933 - 2020), đảng viên Chi - Đảng bộ xã Long Vĩnh tăng 75 lần, có 29 đồng chí giữ chức Bí thư Chi - Đảng bộ xã. Gia đình ông Đỗ Xuân Quang có chính ông (1933 - 1947) và 02 người con trai là ông Đỗ Trật Tự (năm 1950 - 1951) và ông Đỗ Công Lao (năm 1955 - 1959), lần lượt giữ chức Bí thư Chi bộ xã Long Vĩnh.
Đầu năm 2020, Đảng bộ xã Long Vĩnh tổ chức Đại hội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ làng Long Vĩnh, đứng đầu là đồng chí Bí thư Chi bộ Đỗ Xuân Quang, nhân dân làng Long Vĩnh nhất tề nổi dậy làm cuộc Cách mạng tháng 8/1945 thành công, buộc bộ máy Hương chức thuộc địa làng Long Vĩnh phải bàn giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa vào sáng ngày 25/8/1945. Ủy ban Hành chính lâm thời làng Long Vĩnh của nhân dân được thành lập có 06 vị gồm:
Ông Đỗ Xuân Quang - Bí thư Chi bộ - Chủ tịch.
Ông Nguyễn Văn Cơ - Phó Chủ tịch - kiêm chỉ huy lực lượng “Quốc gia tự vệ cuộc”.
Ông Nguyễn Trung Lương - Tổng Thư ký.
Ông Mai Văn Thiết - Ủy viên Quân sự.
Ông Trương Hữu Phước - Ủy viên Chính trị.
Ông Lê Phát Nhiêu - Ủy viên Kinh – Tài.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 02/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 25/3/1948, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 148/SL đổi tên quận thành huyện, làng thành xã trên phạm vi cả nước. Ngày 18/02/1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Nghị định số 46/NĐ đổi tên quận thành huyện, làng thành xã trên phạm vi toàn Nam Bộ. Từ đó, làng Long Vĩnh được gọi là xã Long Vĩnh, huyện Trà Cú.
4. Thành lập ấp Kinh Đào
Theo lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Long Vĩnh anh hùng giai đoạn 1930 - 1975 thì năm 1948, cơ quan Tỉnh Đội Trà Vinh có tổ chức gọi là đoàn “Long hòa Thương hội” - Đoàn này có nhiệm vụ khai thác kinh tế vùng ven biển Trà Vinh, chuyển quân, tiếp tế hậu cần cho phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ở các địa bàn vùng nước ngọt của tỉnh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đoàn vận tải của “Long hòa Thương hội” phải thường xuyên có những đoàn ghe đi qua cửa Định An theo Sông Hậu lên, rất nguy hiểm bởi sóng to, gió lớn và giang thuyền Pháp tuần tra. Trước tình thế đó, đầu năm 1948, ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Trà Vinh ra lệnh huy động nhân dân làng Long Vĩnh dùng sức người đào 01 con kênh từ sông Rạch Cỏ, qua ấp Thốt Lốt, nối liền đường thủy với sông Láng Sắc để từ đó, ghe, tàu của đoàn “Long hòa Thương hội” theo Sông Hậu đi lên mà không phải qua cửa Định An. Tháng 6/1948, công trình kênh đào hoàn thành. Ấp Thốt Lốt bị chia cắt làm hai, người dân gọi là ấp Thốt Lốt và ấp Thốt Lốt trên. Sau này, bộ phận dân cư và đất đai ấp Thốt Lốt phía bờ phải kinh mới đào được Ủy ban Hành chính kháng chiến làng Long Vĩnh đặt tên là ấp Kinh Đào. 72 năm qua, Kinh Đào vẫn là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của nhân dân xã Long Vĩnh trong kháng chiến trước đây cũng như trong giao thương sau này.
5. Chuyển đơn vị hành chính từ huyện Trà Cú sang huyện Duyên Hải
Ngày 17/7/1951, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ban hành Nghị định số 197/NB-51, ngày 17/7/1951, thành lập huyện Duyên Hải để làm căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp cho Tỉnh ủy Vĩnh - Trà (Vĩnh Long - Trà Vinh). Huyện Duyên Hải được thành lập trên cơ sở tách các xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Long Toàn (huyện Cầu Ngang) và xã Long Vĩnh (huyện Trà Cú). Từ đây, xã Long Vĩnh thuộc đơn vị hành chính huyện Duyên Hải của chính quyền kháng chiến tỉnh Trà Vinh. Chi bộ xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải lúc này có hơn 50 đảng viên do ông Nguyễn Tài Tốt giữ chức Bí thư và ông Trương Hữu Phước giữ chức Phó Bí thư Chi bộ. Ủy ban Hành chính kháng chiến của xã có 07 vị: Lê Ngọc Truyện (Chủ tịch), Lê Văn Đức (Phó Chủ tịch, kiêm phụ trách nông dân), Hoàng Đạo (Ủy viên quân sự), Lê Thái Sơn (Ủy viên phụ trách Công an), Đỗ Trật Tự (Phụ trách Thanh niên), Nguyễn Thị Nhuận (Phụ trách Phụ Nữ), Bùi Văn Ngượt (Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh).
Ngày 03/01/1957, Bộ Nội vụ Việt Nam cộng hòa ban hành Nghị định số 03-NĐ/HC/NĐ, phân định bộ máy hành chính tỉnh Trà Vinh; Theo Nghị định này, bộ máy hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa tại tỉnh Trà Vinh lúc này có thêm quận Long Toàn, bao gồm các xã: Hiệp Thạnh, Long Hữu, Long Toàn, Trường Long Hòa và Long Vĩnh. Xã Long Vĩnh trong bộ máy hành chính quận Long Toàn (chính quyền Việt Nam cộng hòa) có 10 ấp: Cái Đôi chợ, Cái Đôi lộ, Trà Côn, Thốt Lốt, Thốt Lốt trên, Vũng Tàu, Cồn Lợi, Cái Cối, Phước Thiện.
6. Nơi thành lập Đoàn Văn công Ánh Hồng, tỉnh Trà Vinh
Ở tỉnh Trà Vinh, ai cũng biết Đoàn Văn công Ánh Hồng; nhưng ít ai biết đoàn được thành lập từ đâu và vào lúc nào.
“Vào khoảng đầu năm 1961, tại ấp Hồ Tàu, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, được sự “đỡ đầu” của Ban Tuyên huấn tỉnh, Bí thư Chi bộ xã Long Vĩnh Trương Văn Ngà (Hai Lá) đã chỉ đạo thành lập Đoàn Văn công xã Long Vĩnh do các đồng chí Bảy Bừ, Năm Tri, Hai Ốm, Ba Chanh tổ chức xây dựng. Buổi đầu mới thành lập, Đoàn có 25 người được chọn từ những anh chị em ở trong xã có năng khiếu và đam mê văn nghệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đoàn đã sáng tác dàn dựng hoàn thành vở cải lương “Cờ hồng trên đỉnh Thúy”, phục vụ được đồng bào địa phương hết sức hoan nghênh. Đầu năm 1962, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh đặt tên Đoàn Văn công xã Long Vĩnh là Đoàn Văn công Ánh Hồng rồi rút cả Đoàn về tỉnh do đồng chí Trần Văn Cữu (Tám Cữu), nguyên quán ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa làm Trưởng đoàn”. (Theo: “Một góc chiến trường, ngày ấy tôi qua” - NXB Văn hóa Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh năm 2015).
7. Long Vĩnh là “Chiếc nôi” của Tiểu ban Thông tấn, Báo chí tỉnh Trà Vinh
Khu vự 03 ấp Cái Cối, La Ghi và Rạch Cỏ, xã Long Vĩnh được xem là nơi thành lập Tiểu ban Thông tấn, Báo chí, thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến, bởi những cứ liệu sau:
“Báo chí tỉnh Trà Vinh được ra đời trong “Tiếng mỏ đồng khởi” 14/9/1960" (Theo: “Báo chí Việt Nam thời kỳ đổi mới - những vấn đề lí luận và thực tiễn” - Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông 2018 - trang 291 - 300).
“...Tháng 4/1964, tôi từ Trà Ôn được điều về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trà Vinh, được bổ sung vào Tiểu ban Thông tấn, Báo chí. Lúc này cơ quan đóng ở rừng lá Long Vĩnh. Tiểu ban có các đồng chí: Năm Lang, Ba Thuyết, Thanh Vân (nữ), Tư Hậu (Phóng viên - Biên tập), Năm Sinh (Nhiếp ảnh) và bộ phận Đài Minh ngữ do đồng chí Quốc Tịch phụ trách. Đến tháng 8 năm đó, cả cơ quan rời khỏi căn cứ rừng lá, rải quân ở nhiều điểm thuộc 02 xã An Phú Tân, Tam Ngãi (huyện Cầu kè), lên tận sông Tân Dinh, giáp huyện Trà Ôn...”
“...Tôi về công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh, lúc đó cơ quan còn phôi thai. Đến tháng 8/1964, rời căn cứ rừng lá Long Vĩnh (huyện Duyên Hải), cơ quan mới bắt đầu “nở nồi” ra...”
“...Mùa khô năm 1964, rừng Long Vĩnh (Trà Vinh), các kênh, rạch, nước mặn ngập tràn, kéo dài. Cơ quan Tuyên huấn tỉnh ở sâu trong rừng lá, từ đó phải dùng xuồng, ghe, lên tận giồng Cái Cối chở nước ngọt về dùng. Nước ngọt trở nên nguồn quí hiếm vô cùng. Mọi sự tắm, giặt đều dùng nước mặn. Nước mặn tắm không bao giờ sạch, không dùng xà bông được...”
(Theo: “Thương nhớ một thời gian khó” - Nguyễn Xuân Thủy - Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Long ấn hành năm 2008 - trang 43, 50, 56)
8. Giải phóng hoàn toàn xã Long Vĩnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Được sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, bộ đội chủ lực quân giải phóng, Quân khu 9, địa phương quân huyện Duyên Hải, quân và dân xã Long Vĩnh nổi dậy đánh tiêu diệt 02 đại đội bảo an quân đội Việt Nam cộng hòa đóng giữ cụm Phân Chi khu, tề xã Long Vĩnh, giải phóng hoàn toàn xã Long Vĩnh vào lúc 09 giờ sáng ngày 20/12/1974, góp phần cùng quân, dân miền Nam hoàn thành vẻ vang sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc ngày 30/4/1975. Xã Long Vĩnh có 290 liệt sĩ, 38 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (số liệu cập nhật đến ngày 25/5/2017). Quân, dân xã Long Vĩnh được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Lê Văn Lòng (Hai Tranh)- Cán bộ xuất thân từ xã Long Vĩnh - Đoàn phó Đoàn 962 Quân khu 9, Bộ Quốc phòng, kiêm Chỉ huy trưởng Đơn vị B22 - Bến Trà Vinh), được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
9. Tách 03 ấp thành lập xã Long Khánh và xã Đông Hải
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), xã Long Vĩnh có 14 ấp gồm: Cái Đôi, Cái Cỏ, Xóm Chùa, Thốt Lốt, Kinh Đào, Cái Cối, Trà Côn, Hồ Tàu, Phước Thiện, Vĩnh Lợi, Vũng Tàu, La Ghi, Vàm Rạch Cỏ, Xẽo Bộng.
Ngày 15/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 69-HĐBT, tách ấp Cái Đôi, xã Long Vĩnh, thành lập xã Long Khánh; Ấp Trà Côn được nhập lại với ấp Cái Cối, ấp Vĩnh Lợi nhập lại với ấp Hồ Tàu. Năm 1981, xã Long Vĩnh còn lại 11 ấp.
Ngày 27/3/1985, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 86-HĐBT, tách 02 ấp Hồ Tàu và Phước Thiện, xã Long Vĩnh ra thành lập xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Xã Long Vĩnh lúc bấy giờ còn lại 09 ấp. Năm 1987, xã Long Vĩnh được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thành lập thêm ấp Giồng Bàn trên cơ sở tách ra từ ấp Cái Cối, thành ấp thứ 10 của xã.
10. Chùa Tà Lôn (chùa Cái Cối), xã Long Vĩnh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia
Chùa Tà Lôn (chùa Teakhinasakor Tà Lôn - Cái Cối), tọa lạc tại ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải được xây dựng từ năm 1816 (dưới thời Vua Gia Long), là ngôi chùa phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer. Trãi qua 204 năm xây dựng (1816 - 2020), chùa Tà Lôn đã qua 14 đời sư cả trụ trì. Trong những năm kháng chiến, chùa Tà Lôn đã bị bom đạn tàn phá nặng nề và được sư sãi, Phật tử sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của chùa Khmer Nam bộ. Chùa Tà Lôn không chỉ là trung tâm sinh hoạt về tôn giáo của đồng bào Khmer trong vùng; nơi lưu giữ và phát huy những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer, đồng thời là trung tâm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở địa phương; còn là cơ sở hoạt động bí mật, bảo vệ căn cứ, cán bộ cách mạng trong kháng chiến. Ngày 18/4/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban hành Quyết định số 1457/QĐ-BVH-TT-DL, xếp hạng chùa Teakhinasakor Tà Lôn, ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
11. Được xếp vào khu vực biển, đảo của Quốc gia
Phà Láng Sắc cặp bến Long Vĩnh. Ảnh: HUỲNH NỔI
Giao thông đường bộ đến xã Long Vĩnh hiện nay (năm 2020) phải qua phà Kênh Tắt (đến từ thị xã Duyên Hải), qua phà Láng Sắt (đến từ huyện Trà Cú). Xã Long Vĩnh có ấp Vàm Rạch Cỏ giáp biển Đông, 02 ấp La Ghi, Giồng Bàn giáp sông Hậu, ra cửa Đĩnh An, 04 ấp Cái Cối, Xẻo Bộng, Thốt Lốt, Vũng Tàu, giáp sông Láng Sắc trên Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.
Thực hiện Nghị định số 71/2015/NĐ-CP, ngày 03/9/2015 của Chính phủ về "Quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Theo Nghị định này, khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo. Theo đó, từ tháng 9/2015, xã Long Vĩnh được xếp vào "Khu vực biên giới biển" của Quốc gia.
Ngày 13/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 810/QĐ-TTg, công nhận xã Long Vĩnh là 01 trong 06 xã của tỉnh Trà Vinh là xã đảo.
Năm 2017, xã Long Vĩnh được công nhận là xã bãi ngang theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
12. Đạt chuẩn xã nông thôn mới
Con đường “xuyên rừng” từ Quốc lộ 53 đến tuyến đê tuần tra biển. Ảnh: TRƯỜNG HIẾU
Năm 2000, xã Long Vĩnh được xếp vào xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 01/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 539/QD0-TTg, xếp xã Long Vĩnh vào diện xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015. Năm 2015, xã Long Vĩnh được xếp vào "khu vực biên giới biển" của Quốc gia theo Nghị định số 71/2015/NĐ-CP, ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2016, được công nhận là xã đảo theo Quyết định số 810/QĐ-TTg, ngày 13/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2017, xã Long Vĩnh tiếp tục được công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đạo giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 25/4/2019, xã Long Vĩnh được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới với một số thành tựu đáng khích lệ như: Chỉ còn 2,81% hộ nghèo, 86,90% nhà ở của 2,350 hộ dân trong xã được xây dựng cơ bản, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 41,13 triệu đồng.
Trải qua 120 năm với biết bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử, làng Long Vĩnh vẫn hiên ngang đứng vững trên vị trí tiền tiêu của tỉnh trước cửa biển Định An với cả niềm tự hào: “Trà Vinh tin tưởng chọn chúng tôi/ Liệt oanh người lính đứng cuối trời...!”.
Vị trí xã Long Vĩnh ngày nay phía Đông giáp xã Long Khánh và Đông Hải, huyện Duyên Hải, phía Tây giáp cửa Định An (Sông Hậu), phía Nam giáp Biển Đông, phía Bắc giáp xã Định An, Đại An (huyện Trà Cú), Đôn Xuân, Đôn Châu (huyện Duyên Hải). Trung tâm xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải tọa lạc tại Km 130 QL53 (Quốc lộ 53) thuộc ấp Kinh Đào, cách trung tâm thị xã Duyên Hải 16km, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 65km theo quốc lộ 53.
TRẦN ĐIỀN (Sưu tầm và biên soạn)
________________
Tài liệu tham khảo:
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.