12/04/2025 17:06
Những buổi sáng ở quê tôi luôn mang một vẻ đẹp mộc mạc, bình yên. Khi mặt trời chưa ló dạng, cả làng quê chìm trong màn sương mỏng. Tôi và anh trai đạp xe qua con đường làng, nghe mùi hương của đất ướt sau cơn mưa đêm, mùi lúa chín thoảng qua từ những cánh đồng hai bên. Đến cổng trường, chỉ cần nhìn thấy gánh bắp hầm của dì Hai là lòng tôi đã rộn lên một niềm vui khó tả. Gói bắp hầm nhỏ nhắn ấy không chỉ là món ăn sáng mà còn là niềm an ủi, là động lực để tôi bước vào một ngày học tập dài.
Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh dì Hai ngồi bên gánh bắp hầm trước cổng trường. Dì là người Khmer, da ngăm đen, nụ cười hiền hậu, đôi tay thoăn thoắt múc từng muỗng bắp dẻo thơm, nóng hổi từ nồi bắp nghi ngút khói. Gói bắp hầm được dì gói trong lá chuối xanh mướt, giản dị nhưng đầy sức hút. Chỉ cần mở ra, hương thơm của bắp, nếp quyện cùng mùi lá chuối đã làm bụng tôi đói cồn cào. Dì hay hỏi tôi bằng giọng pha lẫn tiếng Việt và tiếng Khmer: “Hôm nay con ăn thêm muối mè hay đường cát?” Tôi thường chọn muối mè vì cái vị mặn mặn, bùi bùi của mè rang và đậu phộng làm tôi thấy chắc bụng hơn. Có hôm, dì còn múc cho tôi phần bắp ở đáy nồi, thứ bắp vừa dẻo vừa thơm, giống như cơm cháy nhưng mềm mịn hơn. Hồi đó, nhà nghèo lắm. Ba mẹ làm lụng vất vả quanh năm trên những cánh đồng lúa, những vườn dừa nhưng thu nhập cũng chỉ đủ để nuôi mấy anh em ăn học. Bữa sáng của tôi thường chẳng có gì ngoài gói bắp hầm quen thuộc. Có những hôm trời mưa, con đường đất đỏ trơn trượt, chiếc xe đạp cũ của tôi trượt bánh, bùn đất bám đầy gấu quần. Nhưng dù thế nào, tôi cũng cố gắng ghé qua gánh bắp hầm của dì Hai. Gói bắp hầm nóng hổi trong tay không chỉ làm ấm bụng mà còn làm ấm lòng. Tôi nhớ mãi cái cảm giác ấy – cảm giác của một đứa trẻ nghèo nhưng luôn tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ bé, giản dị. Bắp hầm không chỉ là món ăn sáng mà còn là hương vị của quê hương, của tuổi thơ tôi. Nó mang trong mình cái chất mộc mạc, dân dã của Trà Cú, nơi những hạt bắp vàng óng được thu hoạch từ cánh đồng quê, những hạt nếp dẻo thơm được chọn lựa kĩ càng, hòa quyện với dừa rám, mè rang và đậu phộng. Tất cả đều là sản vật của quê nhà được tạo nên bởi những con người chất phác, cần cù. Tôi nhớ những buổi trưa hè, khi cánh đồng lúa vàng rực dưới ánh nắng, lũ trẻ thường chạy nhảy trên bờ ruộng, thi nhau hái những trái bắp còn non trên rẫy. Bắp được mang về, luộc chín hoặc nướng trên bếp than, tỏa ra mùi thơm nức mũi. Có lẽ, chính những kỉ niệm ấy đã làm cho món bắp hầm trở nên đặc biệt hơn trong lòng tôi. Bây giờ giữa phố thị đông đúc, thỉnh thoảng tôi vẫn mua một gói bắp hầm để ăn sáng. Nhưng gói bắp hầm giờ đây không còn được bọc trong lá chuối, không còn được múc bằng muỗng cọng dừa như ngày xưa nữa. Người ta dùng hộp xốp, túi nilon cho tiện lợi nhưng dường như điều đó đã làm mất đi phần nào cái hồn của món ăn. Tôi vẫn miên man nhớ cảm giác cầm trên tay gói bắp hầm nóng hổi, được gói trong lớp lá chuối xanh mướt, tỏa ra hương thơm dịu nhẹ. Tôi nhớ mùi thơm đặc trưng của chiếc muỗng cọng dừa, thứ mùi thơm mà không loại muỗng nhựa nào có thể thay thế được. Những hương vị ấy vẫn đủ để gợi nhớ về một miền kí ức xa xăm nhưng rất đỗi ngọt ngào của tuổi thơ. Dẫu cuộc sống đã đưa tôi đi xa Trà Cú, xa những ngày thơ bé nhưng mỗi lần nghĩ về quê hương, lòng tôi lại trào dâng một nỗi nhớ không tên. Nhớ những buổi sáng sớm mờ sương, nhớ gánh bắp hầm của dì Hai, nhớ cả những con đường đất đỏ lấm lem bùn đất. Gói bắp hầm ngày ấy không chỉ là món ăn mà là cả một miền ký ức, một phần hồn quê tôi mãi mang theo. Giữa cuộc sống bộn bề, chỉ cần nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy mình là đứa trẻ nghèo, tay cầm gói bắp thơm, lòng ấm áp đến lạ. TRẦM THANH TUẤN |
Vòng bảng vòng chung kết (VCK) U17 châu Á 2025 đang dần đi đến hồi kết, và hai cặp đấu đầu tiên tại vòng tứ kết đã bắt đầu lộ diện.