24/03/2023 16:29
Ảnh: HH
Tận dụng mùa nông nhàn đất trống, ít người qua lại và nguồn lợi thủy sản thiên nhiên gần như vô tận lúc ấy, có người dốc hết vốn liếng trong nhà đổ vào bầy vịt, rày đây mai đó, chăn thả tự do trên khắp các cánh đồng, hình thành một nghề khá đặc biệt - nghề nuôi vịt chạy đồng.
Hàng năm, cứ vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch, khi gió chướng thông ngọn, những ruộng lúa mùa đã đứng cái làm đòng, người chuyên nghề nuôi vịt chạy đồng chèo ghe theo sông Long Bình vào chợ Trà Vinh, đến các “lò hột” (tức các “hãng ấp trứng” chuyên nghiệp, cho nên con vịt chạy đồng hồi đó thường gọi là “vịt hãng”) để mua vài trăm đến vài ngàn con vịt giống, thường gọi là “hốt vịt con” về nuôi. Hồi đó, xe cộ chưa có bao nhiêu, đường sá đoạn có đoạn không, mà con vịt con cũng “chịu” đi ghe để tránh xốc dằn dễ mất sức. Do vậy, cả tỉnh Trà Vinh chỉ có chưa tới chục lò hột của các chủ người Hoa Quảng Đông, tập trung cặp sông Long Bình, gần Ngã tư giáp với Tỉnh lộ 35, nay là Quốc lộ 53 xuôi về Cầu Ngang, Duyên Hải. Đến nỗi tên Lò Hột biến thành tên con đường, mà đến sau ngày tỉnh Trà Vinh được tái lập mới đổi thành đường Dương Quang Đông. Người nuôi vịt có tay nghề chỉ cần nhìn độ mướt chân vịt mà đánh giá sức khỏe đàn vịt con, cũng như nhìn vóc dáng và độ lớn nhỏ mà phân biệt trống mái với tỷ lệ chính xác tương đối cao. Điều này khá quan trọng, quyết định số lượng vịt mái đẻ, nghĩa là quyết định lượng trứng thu được hàng ngày, chính là quyết định thu nhập, thành bại cả mùa vụ của người nuôi sau này.
Vịt con đưa về, những ngày đầu được “dưỡng” trong một khu chuồng hẹp, yên tĩnh, được che kín để tránh nắng, tránh gió, tránh lạnh, tránh luôn những tiếng động mạnh và sự dòm ngó của đám chuột cống háu ăn. Thức ăn chính là những loài thủy sản thân mềm giàu sinh dưỡng, băm nhỏ để vịt con dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Chỉ ăn và ngủ nên những chú vịt non lớn nhanh như có ai thổi. Người chủ phải canh chừng để nới diện tích dần ra cho thích hợp. Đồng thời, từng bước “nhử lúa” bằng cách trộn lúa vào thức ăn với tỷ lệ ngày một nhiều hơn, cho vịt quen dần. Thời điểm này, lúa trên đồng đã trổ bông làm sữa, những ruộng lúa mùa sớm bắt đầu thu hoạch, đồng bắt đầu trống từng lõm, rồi mở ra ngày càng nhiều hơn.
Khi vịt sau 20 ngày rồi tháng tuổi, đã chuyển sang ăn lúa hoàn toàn, thân thể đã cứng cáp, đủ sức chịu đựng nắng gió trên đồng, người chủ vịt đến nhà từng chủ ruộng để “hỏi”, thực chất là xin phép, cho mình lùa vịt vào, ăn phần lúa rơi rụng và lượng thủy sản nội đồng trên chân ruộng ấy. Nói là xin phép chứ thực ra, như một thủ tục chào hỏi cho vui lòng nhau, bởi hiếm khi chủ ruộng từ chối vì lý do lúa rơi vãi cũng không cách nào thu lại được, còn lượng thủy sản nội đồng thì gần như vô tận, hết lứa này tự sinh ra lứa khác, mà bầy vịt quần tới quần lui cũng có cái lợi là nó ăn luôn cả những loại côn trùng tiềm tàng gây hại cho mùa lúa năm sau.
Cuối tháng Chạp âm lịch, khi lúa rơi rụng trên đồng tương đối sạch, bầy vịt đã vào độ tuổi 75 - 90 ngày, lông cánh, lông đuôi đã búp, tiếng kêu đã “bể tiếng” dễ dàng phân biệt trống mái, cũng là lúc người chủ tiến hành “tẻ bầy”. Phần lớn vịt trống và cả những con mái đèo đẹt, sức khỏe yếu ớt được tẻ ra khỏi bầy, bán sỉ cho thương lái đưa ra chợ bán vịt thịt. Do đó, vịt tẻ bầy còn được gọi là “vịt cắt cổ”. Dịp này, người chủ vịt mang đến nhà chủ ruộng, biếu một vài cặp “vịt cắt cổ”, tùy theo diện tích ruộng mà mình được chăn thả. Với cặp “vịt cắt cổ”, người chủ ruộng có được món vịt bằm gói lá cách hấp nước cốt dừa trên mâm bàn gia tiên ngày Tết hoặc làm chuồng thả nuôi thêm tháng nữa cho vịt thực sự trưởng thành, “đủ lông, đủ cánh” ăn ngon hơn.
Sau khi tẻ bầy, số vịt còn lại phần lớn là vịt mái và một ít vịt trống khỏe mạnh, được chủ vịt tiếp tục nuôi thành vịt đẻ. Những chủ vịt có điều kiện vốn liếng, có kinh nghiệm sẽ tìm hỏi mua nguyên bầy những bầy vịt cùng lứa cũng vừa tẻ bầy của những chủ kinh tế khó khăn, để nhập thành bầy lớn hơn, có khi lên tới hàng ngàn con. Đây là lúc lượng lúa rơi vãi trên đồng dần cạn kiệt nên chủ vịt phải lùa cả bầy “chạy đồng”, từ ruộng này sang ruộng khác, từ đồng này sang đồng khác, thậm chí từ những xã gần biển ngập mặn gay gắt chạy ngược dần về những xã có những hồ đập trữ được ít nước ngọt ngày càng khan hiếm.
Được hơn năm tháng tuổi, vịt đã thực sự trưởng thành, bắt đầu động dục báo hiệu bởi những cô nàng vịt mái “xề đít” và tiếng kêu vang chuồng trại; những chú vịt trống to lớn hơn một cách rõ ràng, dưới đuôi có nhúm “lông theo” uốn ngược về phía lưng, chủ vịt lại phải “tẻ bầy” thêm lần nữa, loại hẳn những cá thể ốm yếu, đèo đẹt và đảm bảo tỷ lệ chừng một trống trên 20 mái. Lúc này, chủ vịt phải tăng cường “chạy đồng”, giúp vịt đủ đạm động vật từ các loài thủy sản làm cho trứng to hơn, vỏ dày hơn và lòng đỏ đỏ thắm hơn, bán có giá hơn; đồng thời, phải “thúc lúa” để vịt mạnh khỏe đi vào giai đoạn sinh sản.
Trời sa mưa sau những tháng ngày nắng gắt, khô cạn và lượng thủy sản tự nhiên nội đồng cũng bắt đầu sinh sôi, phát triển với số lượng ngày càng nhiều hơn, chủng loại ngày càng phong phú hơn. Một vài vịt mái trong bầy bắt đầu “rớt hột”, rồi số lượng trứng để lại trong chuồng ngày một nhiều thêm, khi cao điểm chiếm tới hơn 80% trên tổng đầu vịt trong bầy. Thành quả của nghề “vịt chạy đồng” được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể. Sự hơn thua nhau từ trong kỹ thuật “hốt vịt”, sự tinh mắt, thính tai trong phân biệt trống mái khi “tẻ bầy”, sự siêng năng, cần mẫn đội nắng, dầm mưa những ngày theo “vịt chạy đồng”… được đong đếm bằng lượng trứng thu được hàng ngày và cứ vài ngày lại chèo ghe, chở theo vài cần xé vào “lò hột” mà “đếm trứng” thu tiền.
Do tập tính tự nhiên, vịt chạy đồng thường đẻ lúc 4 giờ khuya tới sáng. Mỗi con vịt mái thường đêm sau sẽ đẻ chậm hơn đêm trước chừng 15 - 20 phút và sau 7 - 8 đêm liên tục sẽ có một đêm ngưng đẻ, dưỡng sức cho một chu kỳ tiếp theo. Chủ vịt cũng biết trong bầy hàng trăm con ấy sẽ có những con đẻ sau 6 giờ sáng nhưng tôm cá trên đồng nhiều nhất là “nhứt chạng vạng, nhì rạng đông” nên buộc phải thả vịt ra khỏi chuồng từ sáng sớm. Sau một hồi bầy vịt rúc tôm cá no nê rồi lên những gò đất cao nằm nghỉ là lúc anh chủ vịt cắp theo cái thúng đi dọc những góc ruộng mà bầy vịt vừa ăn vừa đẻ, nhưng không phải lúc nào cũng tìm hết được. Những ổ “vịt đẻ rớt” trên cỏ năn luôn hấp dẫn nhiều loài động vật hoang dã trên đồng và… đám trẻ chăn trâu.
Nghe tưởng dễ ăn, thực chất nghề “vịt chạy đồng” lại là một nghề vô cùng vất vã, cực nhọc. Ban ngày, với cây “bệu vịt” (cây sào trúc dài chừng 3 thước, trên đầu có chùm vải hoặc chùm lá cây để quơ đuổi vịt), miếng nylon ruột bao phân tây khoét đáy làm thành mảnh áo mưa, lon cơm nguội và bình nước lã… người chủ vịt phải bám sát bầy vịt (hễ vịt ăn dưới ruộng thì chủ phải đứng ngay trên bờ, mắt quan sát không rời), từ đồng này sang đồng khác, bất kể nắng mưa, bão táp.
Ban đêm, ôm nóp ra ngủ kề bên chòi vịt, không chỉ phòng kẻ trộm mà có khi trắng đêm đảm bảo sự tĩnh lặng cần thiết, bởi chỉ một tiếng chó sủa, một làn gió rít cũng có thể làm bầy vịt hoảng loạn, thì ngày hôm sau lượng trứng có thể giảm đi phân nửa. Ngày tư ngày tết, hội đình hội miễu, cùng trang lứa người ta vui chơi sáng cửa thì anh chủ vịt cũng cây bệu, miếng nhựa che mưa, lon cơm lót dạ… ngày lang thang trên đồng, đêm ngủ nóp bờ ruộng.
Ngày giỗ cha, giỗ mẹ có lòng tưởng nhớ thì cắm cây nhang góc bờ, cuối bãi, rồi vẫn đội nắng dầm mưa lang thang theo bầy vịt trên đồng. Đó là lúc bình thường, còn khi dịch bệnh thì người chủ vịt cứ như đứng trên đống lửa. Hồi đó, kiến thức vệ sinh kém, điều kiện thuốc men phòng trị là điều xa xỉ thì chỉ cần sự thay đổi bất thường của thời tiết, bầy vịt “phù đầu” hàng loạt thì chủ vịt chỉ còn nước bán thốc bán tháo, mười phần gom được một, rồi “giũ mành”, cuốn nóp tay trắng trở về nhà.
Nhưng, nói gì thì nói, nghề nuôi vịt chạy đồng vẫn “một vốn bốn lời”, chỉ bỏ ra ít vốn “hốt vịt con” ban đầu cộng với không nhiều tiền lúa cho vịt “ăn dặm” cùng công lao động người chủ chăn quanh năm trên đồng, còn lại lúa rơi rụng và thủy sản từ đồng này sang đồng khác là hoàn toàn miễn phí. Biết vậy, nhưng phần đông người nông dân chí thú vẫn không theo nghề này, họ cần mẫn từng ngày, cả nhà bên nhau hôm sớm, huê lợi ít mà chắt mót dành dụm, tích tiểu thành đại. Duy những người có máu lang bạt, thích rày đây may đó, tự do tung tẩy mới đeo đuổi với nghề “nuôi vịt chạy đồng”.
Sau thập niên 1980, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh, những cánh đồng một vụ ngày nào đều chuyển lên hai, ba vụ, cây lúa đứng trên đồng quanh năm suốt tháng, rồi nguồn lợi thủy sản nội đồng ngày càng giảm sút, suy kiệt. Nghề “nuôi vịt chạy đồng” dần đi vào miền quá vãng.
TRẦN DŨNG
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.