15/05/2023 07:34
Ảnh minh họa.
- Ê về nhanh thả diều tụi bây ơi!
- Ừ, hẹn chỗ bãi đất trống nhà chú Tám Thật nhé!
- Ok! Không gặp không về!
Những câu đối đáp “chốt kèo” nửa tây nửa ta của mấy đứa “thứ ba học trò” nghe sặc mùi ngôn ngữ mạng của tuổi ten. Đợi cho bọn trẻ xếp hàng ra về xong xuôi, tôi đi đóng các cửa sổ, tắt đèn tắt quạt rồi xách xe ra về.
Tiết trời ra Giêng, ra Hai năm nay mọi người ai cũng nói không giống như mọi năm, trời còn lạnh như giáp tết, gió chướng thổi mạnh ngọn, nước rong ngập ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Vừa chạy xe trong đầu tôi suy nghĩ biến đổi khí hậu sao nhanh thế, tầm hơn chục năm nữa thì sẽ như thế nào? Thôi thì phải thích ứng chứ sao, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu mà. Tôi tự an ủi mình.
Hơn 4 giờ chiều mà tiết trời khá lạnh, ngồi trên xe mà từng ngọn gió chướng cứ phà phà vào mặt. Nhanh thật! mấy đứa học trò tôi chủ nhiệm đã có mặt tự khi nào ở bãi đất trống của chú Tám Thật, hơn chục đứa trên tay mỗi đứa một con diều đủ màu sắc và hình thù khá bắt mắt.Tụi nó nhanh miệng:
- Thầy ơi! Thả diều với tụi em nè thầy
- Thầy uống trà sữa nghen thầy!
Học sinh bây giờ đối đáp nhanh nhảu thật, không như xưa gặp thầy giáo cô giáo cứ khúm núm bẻn lẻn. Tôi từ tốn, được rồi các em cứ thả đi, thầy đứng xem một lát. Những con diều tung tang bay lên bầu trời có đầy đủ hình thù nào là diều cá mập, diều phụng, diều đại bàng, diều bạch tuột...v.v… và v.v… với đủ màu sắc được bày bán ở các tiệm tạp hóa giá dao động từ 40.000 – 100.000 đồng. Nhìn những cách diều bay cao trong gió đủ màu sắc, tôi chợt nhớ lại thời “trẻ trâu” của mình, thế hệ 8x so với hiện tại sao chênh lệch quá. Mà thôi, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Cuộc sống là hướng đến tương lai, là ngày mai phát triển chứ không phải hoài niệm về quá khứ để so sánh hơn kém.
Quê tôi ngày ấy, khi ra Giêng, ra Hai mặt ruộng bắt đầu đã nức nẻ, những con nước đã bỏ ruộng, trời khang nam đồng chung, ban ngày nóng nực, ban đêm nhà nào nhà nấy ngủ không đóng cửa để cho gió lẻn vào làm mát, chứ đốt đèn dầu làm gì có điện mà quạt. Là đất thịt nên tèn hen ngoài đồng lỏm chỏm, bọn chúng tôi tụ tập dọn sân một công mà đôi việc. Chọn mãnh đất nào “nhẹ công” tức làm một buổi là có sân chơi hai trong một đó là vừa làm sân đá banh vừa là sân để thả diều. Xong buổi là có một rổ tèn hen luộc chấm muối ớt chanh, thằng nào thằng nấy ăn cay hít hà, kiếm nước uống ực ực. Tháng đồng khô, cứ chọn ruộng tùy thích, tuy nhiên cũng có người không cho ai đụng vào ruộng vì họ nói bọn tôi đá banh quầng thảo dẽ đất cấy lúa không tốt. Thôi thì mình vô tư, ai cho chơi thì chịu cực làm, mà làm tập thể, thằng nào thằng nấy đổ mồ hôi mà có than mệt đâu!
Con diều ngày ấy đối với chúng tôi nó như “báo vật”, làm thủ công bằng giấy bìa tập hoặc ni lông. Làm bằng giấy bìa tập nếu bay lỡ xuống nước thì toi, còn ni lông thì chẳng sao. Trong nhóm “trẻ trâu” tôi như nhóm trưởng phân công rõ ràng, ai chịu trách nhiệm vuốt tre, ai hái lá dừa làm đuôi diều, ai mua dây gân bóng quấn vào thanh tre để thả. Cả nhóm hì hụt hơn 2 tiếng cũng có cái để chơi, mừng lắm, lúc đầu là của chung, vài ngày ai cũng nắm được cách làm rồi mỗi thằng tự làm một con diều để chơi cho thỏa thích. Mà diều ngày xưa chúng tôi chỉ đơn giản nếu làm bằng bìa tập thì có hình như quả bầu lô chẻ đôi, làm bằng ni lông thì như hình thoi. Có mấy người lớn đi qua chúng tôi đang thả nói, mấy đúa thả coi chừng rớt nóc nhà là cúng đầu heo đó nghen! Không biết họ nói thật hay đùa làm chúng tôi cũng sợ sợ, nên chọn khu đất xa nhà dân để thả. Mấy người lớn tuổi trong xóm cũng hay nói, ngày xưa ở ấp này có ông Bảy Mùi ổng làm diều tầng, có gắn sáo khi lên cao nó đờn tằng tăng tăng… nghe hay lắm. Nhưng chúng tôi chưa biết được, thấy được con diều tầng đó vì ông Bảy Mùi đã “bay xa” theo tiếng sáo diều tự khi nào!
Cứ thế, chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả, xong phổ thông đứa đi Sài Gòn lập nghiệp, đứa ra Bình Dương làm công ty, đứa theo chồng về xứ lạ, giờ nhờ Zalo, Facebook vào nhóm í ới gọi nhau đứa nào đứa nấy cũng có một, hai mặt con nhưng vẫn xưng hô tao - mầy chưa tìm từ thay thế được! Còn tôi tiếp tục khăn gối lên tỉnh theo nghề “gõ đầu trẻ”, ra trường rong ruổi ở Nam Du (Kiên Giang) vài ba năm, rồi giờ về lại quê hương cắm bảng.
Ngày học ở Cao đẳng Sư phạm Trà Vinh là lớp Văn - Sử nên lớp đa số là con gái, giáo viên chủ nhiệm là nam, chưa có gia đình nên thầy hay ưu ái lớp chúng tôi, thường xuyên rủ đi họp lớp, tham quan, dã ngoại lúc rãnh và đương nhiên kinh phí thì thầy luôn “đài thọ”. Có lần thầy dẫn chúng tôi ra Khu Công nghiệp Long Đức xem thả diều, chao ôi! người ta đi chơi tầm buổi chiều mát nhiều vô kể, diều thả kín cả một khoảng trời mênh mông, đủ màu sắc hình thù, cặp theo các tuyến đường là bàn ghế được bày ra thành từng dãy, hàng quán ăn vặt, các loại nước giả khát, bánh trái đủ loại, người đi chơi thì đủ thành phần nào trẻ em, học sinh, sinh viên, người lớn và đặc biệt là những nam thanh nữ tú họ đến đây xem như là điểm hẹn để ngắm nhìn những cánh diều bay lượn trên không trung gửi gắm những dự định, suy nghĩ, về tương lai cuộc sống. Tôi còn nhớ cánh đồng diều Long Đức là điểm hẹn khá thú vị được khai thác phát sóng trên Đài truyền hình tỉnh nhà được rất nhiều khán giả yêu quý, vì nó gần gũi, mộc mạc, thân thương và cảm mến!
Theo thời gian, công nghệ đã giúp con diều có thêm nhiều hình thù, màu sắc, kích thức khác nhau và cho dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì cánh diều luôn là niềm ao ước của trẻ thơ, là biểu tượng của sự vui tươi, thịnh vượng và ước mơ, là món quà không thể thiếu được của tuổi thơ đầy hồn nhiên và dí dỏm.
PHẠM VĂN LUẬN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.