04/03/2023 09:01
Ảnh minh họa.
Ba tôi, tỉ mẫn làm chái bếp tươm tất lắm bởi ba thương má phải tật bật ở đây sớm chiều. Chái bếp nhà tôi, ba làm rộng rãi để má tiện nấu nướng. Một bên là bếp, dưới bếp có chứa củi khô. Bên kia ba sắm cái gạc-mang-giê để má chứa đồ. Tầng dưới cùng là nơi để má úp xoong, nồi, hũ dưa chua hay chai nước mắm dở, túm hành tỏi khô… Tầng giữa bằng nan gỗ hoặc nan tre đóng thưa để xếp chén dĩa. Tầng trên cùng thoáng mát bởi má để cất đồ ăn, liễn mỡ, hũ đường… Bên hông gạc-mang-giê treo một giỏ tre cắm muỗng đũa. Má còn cẩn thận quấn dầu vào bốn chân của gạc-mang-giê để không cho kiến hoặc côn trùng bò lên đồ ăn hoặc dụng cụ ăn uống.
Mỗi lần đi học về là tôi chạy ù ra đây để kiếm cơm nguội hay những lần ngó quanh quất không thấy má liền ăn vụng cái trứng cá trong nồi cá đang kho trên bếp. Má thấy má ít rầy nhưng rồi cũng không quên dặn "ăn coi nồi ngồi coi hướng". Đào ngoài vườn được mớ khoai tôi sẽ đem vào chái bếp vùi vào bếp than hồng của má. Tôi nhớ đến quay quắt mùi thơm nồng tỏa ra từ củ khoai nướng trong khi ngoài trời mưa rả rích trên mái chái bếp đằm đằm khói tỏa.
Tôi biết giúp ba má làm việc nhà từ rất sớm. Má thường kêu tôi ra sau vườn hái mấy nhánh lá dừa khô để làm củi. Lá dừa sẽ được tôi róc ra bó lại từng bó để lên cái giàn mà ba tôi đã làm sẵn. Sóng dừa thì chặt thành khúc và để gọn ở dưới bếp. Vậy đó mà củi nhà tôi có xài quanh năm.
Thương nhất má tôi mấy ngày mưa dầm củi ẩm ương, khói nhiều. Má loay hoay thổi lửa, nước mắt ròng ròng...bó lá dừa phải dùng liên tục để mồi lửa, khói bay lòa xòa cuộn quanh chái bếp. Những ngày nắng nóng, mồ hôi má ướt đẫm lưng áo vậy mà má vẫn cặm cụi để bữa cơm nghèo luôn chan chứa tình yêu thương.
Nồi cơm củi của má tôi nơi chái bếp luôn là những kỷ niệm đẹp dù rằng hiện nay đời sống tiện nghi hơn biết bao nhiêu. Tôi không bao giờ quên bát nước cơm chắt đã nuôi lớn tôi từ chái bếp của thời gian khó. Khi nấu cơm, cơm sôi, má chắt nước để riêng, tôi dập nhẹ lớp than để cơm không bị khét nhưng vẫn còn đủ nóng để cơm chín và có lớp cơm cháy vàng ruộm. Khi còn nhỏ má pha đường vào cơm chắt để tôi uống. Vì ngọt ngào của cơm chắt cứ vương vít mãi trong tôi cho dù tóc giờ đã nhuốm hoa răm.
Chái bếp là thế giới riêng của má. Nơi má chắc chiu tình yêu thương cho chồng, con cũng có khi là nơi để má giải tỏa những tủi hờn trong cuộc sống thường nhật. Giờ chái bếp ám khói với bồ hóng phủ giăng đã thành ký vãng. Má cũng đã dần quen với bếp gas, nồi cơm điện... với những tiện nghi của cuộc sống hiện đại nhưng má vẫn đòi cất một chái bếp nhỏ để thỉnh thoảng má sẽ nấu cơm bằng bếp củi để tìm lại những hương vị xưa cũ.
Trong những ngày lễ, giỗ hay Tết, chái bếp nhà tôi luôn là nơi sum vầy náo nhiệt, đầm ấm. Bà con xóm giềng đều tụ lại không gian hẹp này để bày biện nấu nướng, cùng lo liệu và hỏi han nhau. Chái bếp lúc này như một biểu tượng của sự chan hòa nghĩa tình lối xóm, thân tộc.
Chái bếp là một phần trong tuổi thơ tôi cũng là một phần trong quảng đời nhọc nhằn của má. Trong tất bật bồn bề cuộc sống hiện đại, bất giác tôi thèm lắm một buổi trưa hè được nhấm nháp miếng cơm cháy nấu củi trong gian bếp ngày xưa của má.
BÁCH CÁT
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.