12/11/2020 09:02
Với độ dày 92 trang, được chia thành 19 chương ngắn, Nhà văn Nguyễn Thi đã mô tả hình ảnh một người mẹ cầm súng, tiêu biểu cho tinh thần cách mạng Việt Nam - Nguyễn Thị Út hay còn gọi là chị Út Tịch. Người phụ nữ kiên cường bất khuất đã trở thành biểu tượng lớn trong lòng người dân Trà Vinh.
Xuất thân là một cô gái nghèo được cách mạng giác ngộ và trưởng thành, trở thành một chiến sĩ du kích dày dạn kinh nghiệm cùng đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công. Chị Út Tịch là nhân vật điển hình, tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của Nhân dân Trà Vinh nói riêng, Nhân dân miền Nam nói chung. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, khốc liệt tuy chỉ mới 14 tuổi nhưng Chị đã biết rút ra một điều có ý nghĩa làm phương châm sống cho mình “đánh nó để nó không đánh được mình”. Lý tưởng cách mạng cũng như quyết tâm diệt ngoại xâm của chị được thể hiện qua câu nói giản dị mà khẳng khái “Còn cái lai quần cũng đánh”.
Những nhân vật trong truyện ký “Người mẹ cầm súng”, ai cũng có cá tính riêng nhưng tất cả đều có những đặc điểm chung là yêu nước mãnh liệt và căm thù bọn xâm lược sâu sắc. Bên cạnh đó, thành công khác của tác phẩm là đã tạo dựng nên thế giới nhân vật mang đậm nét tính cách Nam bộ như thẳng thắn, bộc trực, lạc quan, yêu đời, giàu tình nghĩa. Đấy chính là những yếu tố quan trọng giúp truyện ký “Người mẹ cầm súng” nhận được giải thưởng của Hội đồng Văn học nghệ thuật của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là Giải thưởng văn học, nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965).
Nhà văn Nguyễn Thi, tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày 15/5/1928. Ông còn một bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn. Nguyễn Thi quê ở xã Quần Phương thượng, nay là xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ nhỏ ông đã phải chịu vất vả, tủi cực; năm 1943, ông vào Sài Gòn, vừa đi làm vừa tự học. Năm 1945, ông tham gia cách mạng và sau đó vào lực lượng vũ trang, cầm súng chiến đấu. Năm 1954, Nguyễn Thi tập kết ra Bắc, công tác ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội, được một thời gian, ông tình nguỵên vào Nam đánh giặc. Ông hy sinh anh dũng trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Cuộc đời nhiều bất hạnh, hoàn cảnh éo le đã tạo nên ở Nguyễn Thi một tâm hồn giàu suy tư, hiểu đời, hiểu người sâu sắc. Ông đặc biệt gắn bó với Nhân dân miền Nam bằng tình cảm thủy chung, ân nghĩa mà ông muốn trút cả vào những trang viết của mình. Có thể nói Nguyễn Thi là nhà văn của những người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt: hồn nhiên, vui đời, bộc trực nhưng căm thù ngùn ngụt đối với quân cướp nước - những con người vô cùng gan góc, dường như sinh ra để cầm súng giết giặc, sẵn sàng chết vì quê hương mình, vì đồng bào mình. Nguyễn Thi là cây bút có biệt tài phân tích tâm lý con người, có khả năng nhập sâu vào nội tâm nhân vật của mình, tạo nên những trang viết vừa giàu chất trữ tình vừa đầy chất sống hiện thực, với những hình tượng, những tính cách gân guốc, có cá tính mãnh liệt.
TRẦM THANH TUẤN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.