02/03/2022 08:16
Có thể nói người dân đồng bằng xưa có những nét sinh hoạt mang tính tương thân tương trợ rất cao và cũng từ đó mà tình làng xóm, họ hàng càng thêm gắn bó. “Vần công” là hình thức như vậy. Trước đây, khi má còn khỏe có thể cấy, gặt, dậm…má hay đi “vần công” cho nhiều nhà trong xóm để rồi khi đến ruộng nhà, cô bác cũng tề tựu về “vần công”, tiếng nói cười rộn cả góc ruộng. Người miền Tây không so đo thiệt hơn. Họ tính công theo ngày. Cô Tư gặt giúp má hai ngày thì má không nhất thiết phải trả bằng công gặt mà có thể là công cấy, công giặm miễn sao là trả lại hai ngày là được. Họ không cần phải bận tâm tính chất công việc nào nặng nhọc khó khăn hơn công việc nào…Chính vì vậy mà nghĩa tình xóm làng luôn gắn bó keo sơn. Có những khi trời khuya có trăng sáng má tôi lục đục thức dậy. Giật mình dụi mắt hỏi:
- Má đi đâu sớm vậy má?
- Má đi gặt.
Cắt lúa. Ảnh minh họa
Khi sáng bửng mắt là má tôi đã sắp xong công gặt. Những lúc như vậy má dậy lúc ba giờ rưỡi, sẵn bắc cho ba tôi ấm nước. Má bận bộ đồ tay dài phèn đóng ở vạt áo và hai tay áo vàng khè dày cộp, rồi đội cái nón rách bươm, giắt theo cây nhang để bồ mắc đỡ cắn rồi tất tả đi. Má tôi đi gặt từ thời mười hai mười ba tuổi. Tuổi thơ má nhọc nhằn nên chẳng được học hành gì. Ấy vậy mà sao má lại có nhiều thứ để dạy tôi đến vậy. Sau này nhà khá lên, nhưng đến mùa thì má tôi vẫn đi gặt “vần công”. Có bữa thiếu người, má gặt luôn cả một công đất. Về nhà than mỏi lưng kêu tôi xức dầu rồi đấm lưng đùng đục. Ba tôi xót, cằn nhằn. Má cười xòa: “Làm ăn chung người ta lâu năm những lúc thắt ngặt mình bỏ người ta sao đành!”.
Mỗi bận cất lại nhà là việc chung của cả xóm. Đàn ông thì cưa, đục rồi dựng cột, người thì chẻ nẹp, người lợp mái…còn đàn bà thì phụ nấu ăn, dọn dẹp. Họ giúp nhau từ lúc gỡ mái lá cũ đã mục nát cho đến khi căn nhà được hoàn thiện và thường kết thúc bằng bữa cơm mà gia chủ mời bà con hàng xóm đã bỏ thời giờ giúp sức.
Đàn bà hay về nhà sớm còn lại là đàn ông lai rai đến đêm khuya. Hứng khởi họ có thể đem đờn ra rồi thâu đêm với đờn ca tài tử. Những đêm trăng sáng rải ánh vàng lên mặt sông lấp lánh, tiếng đàn, tiếng hát ngân nga là những khoảng ký ức trong vắt tuyệt đẹp trong tâm hồn tôi. Cũng có thể vì “vần công”mà những chuyện đại sự như cưới xin, tang ma của bất kỳ gia đình nào trong xóm cũng trở thành việc chung. Người phụ dọn nhà, người đi khắp xóm mượn chén dĩa, bàn ghế, người phụ làm heo, người phụ nấu ăn…tạo thành một nếp sinh hoạt chan chứa tình nghĩa xóm giềng.
Rồi trên những cánh đồng lúa chín là những tuổi thơ khó nghèo được âm thầm chia sẻ tình thương. Những thợ gặt thường âm thầm để lại trên ruộng lúa những bông lúa sót. Nó chính là quà tặng cho chim trời, cho bầy vịt chạy đồng và cho nhất là những đứa trẻ con nhà nghèo như tôi. Ngày trước, những lúc rảnh, tôi và chị hai chạy lăng quăng đi mót lúa. Mỗi bông lúa mót được, tôi và chị hai sẽ nhanh tay tỉa lớp áo rơm bên ngoài chỉ còn cái ống lúa trắng phếu. Mấy bó lúa mót được cột rất đẹp. Những hột lúa no nưởng nằm lên nhau nhung nhút phía đuôi là những ống lúa đã được lưỡi hái của má tôi tỉa bằng. Về má tôi sẽ phơi và giê thêm với lúa bui bui. Vậy đó mà chúng sẽ là đồ tết của chị em tụi tôi. Giờ má tôi đã có tuổi, không đi gặt nữa nhưng những khi thấy ngoài đồng lúa bắt đầu đỏ đuôi là lòng má nôn nao. Khi trên đồng mấy hột lúa vàng hực nằm liếm lên bờ thì má tôi khấp khởi nhắc ba chuyện gặt hái. Những lúc phơi lúa, suốt lúa, giê lúa má tưng tiu từng hột lúa bằng cả tấm lòng. Những bài dạy như vậy má tôi không dạy bằng lời.
Nắng gió thênh thang. Vạt đồng đông-xuân đang vô vụ vàng hực. Rồi đây cái máy gặt đập liên hợp sẽ thay thế người thợ gặt. Điều đó làm tôi mừng nhưng cũng làm tôi tiếc (con người nhiều khi kỳ cục vậy đó). Có người sẽ hỏi mắc mớ gì tiếc? Ừ có mắc mớ gì tôi đâu. Mà sau này, những lúc tôi đi ngang qua đồng, tôi chắc rằng mình cũng sẽ nhớ. Nhớ những dáng người oằn lưng nắm từng tay lúa xếp lại rồi bó thành bó chắc nụi. Thợ gánh thì thủng thẳng móc từng bó lúa lên đòn xóc. Nhịp nhàng gánh về để ở góc sân. Tôi sẽ nhớ da diết cho coi bởi trong đám người thợ gặt ấy có má tôi và hình ảnh một thằng nhóc đi mót lúa dưới cái nắng vàng ươm giữa cánh đồng bát ngát.
TRẦM THANH TUẤN
Chiều nay (29/11), tại Sân vận động tỉnh (Phường 9, thành phố Trà Vinh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh khai mạc Giải vô địch bóng đá tỉnh Trà Vinh năm 2024. Đồng chí Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đến dự và phát biểu khai mạc Giải.