16/03/2022 08:33
Ông ngoại tôi khi còn sống gắn bó với nghề cốm nổ. Vật dụng dùng để "nổ cốm" của ông khá đơn giản, chỉ cần một bếp lửa hồng, một quả nổ và một túi mành chứa cốm là đủ. Tôi vẫn tự hào khi mỗi lần ông "nổ cốm", là khoảng sân trước nhà tôi chật kín tiếng nói cười của bọn trẻ con trong xóm. Sau khi cho gạo vào bên trong ống, đặt lên bếp lửa, ông ngoại tôi phải liên tục quay quả nổ đều tay trên lửa. Ngoại thường hay nói công chuyện này đòi hỏi sự nhẫn nại và khéo léo của người thợ, sao cho tay quay vừa đều, vừa nhanh.
Vô số hạt gạo con con được tiếp lửa đều qua những vòng quay rồi cũng đến lúc chín căng, mẻ cốm đầu tiên chuẩn bị ra lò. Bọn trẻ con tụm năm tụm ba chơi trò này trò kia nhưng đôi mắt cứ không thôi dán vào quả nổ mà ông ngoại đang quay đều trên mẻ than hồng cho đến khi ông chuẩn bị cho nổ là chúng sẽ ngưng ngay tất cả các trò chơi lại để "canh me". Lúc này, ông ngoại sẽ mang quả nổ rời khỏi bếp lửa, đặt một phần quả nổ vào túi mành, trong khi chân cẩn thận đạp quả nổ thì tay ông cầm cây đập lẫy cò trên nắp. Ngay lập tức một tiếng "đùng" điếng hồn vang lên. Sau tiếng nổ ấy, những hạt gạo nhỏ bé đã bung lên lớn hơn với màu trắng tinh nóng hổi văng vào túi mành.
Ảnh minh họa.
Ông ngoại cười khà khà, thả lên khoảng không một làn khói thuốc rê. Tôi nhớ như in khuôn mặt rạng rỡ của ông nhìn tôi mỗi lần khi vừa nổ xong mẻ cốm. Ông biết tôi vẫn được mấy đứa bạn "trọng vọng" vì nhà có "cốm nổ"!, Bởi vì giản đơn, "cốm nổ" là niềm vui tuổi thơ giản dị của biết bao đứa trẻ quê.
Đám trẻ nhảy vào xem cốm bốc khói nghi ngút. Ai nấy háo hức và kích thích nhìn đuôi chiếc túi mành đã căng tròn lên với bao nhiêu là cốm. Thời ấy, đi nổ cốm, bà con cô bác thường mang theo những chiếc thúng đan bằng tre để đựng cốm nóng. Bọn trẻ đi theo sẽ bốc từng bốc cốm cho vào miệng để cảm nhận được cái giòn tan thơm lừng của từng hạt cốm. Nhiều cô khéo tay sẽ chế biến thành cốm ngào đường - món ăn đậm đà, ngọt thơm đầy ma lực với trẻ con nông thôn chúng tôi.
Công đoạn ngào cốm cũng không có gì quá cầu kỳ phức tạp. Bà ngoại và mẹ tôi bắt lên bếp một cái chảo to, bỏ đường, một ít gừng chỉ xắt thật mỏng, đảo đều cho đường tan thành chất lỏng màu cánh gián đẹp mắt. Ngắm nghía đường chuyển màu, tôi thường đòi mẹ lấy cây đũa quệt vào rồi thổi hù hù ăn thử. Mẹ thường rầy: "cái thằng ăn ngộ!". Vậy là bà ngoại nhanh tay quệt cho tôi cầm vừa thổi vừa ăn.
Tiếp sau đó, mẹ sẽ đổ cốm gạo vào, dùng hai chiếc đũa tre loại to để đảo nhanh lòng chảo, giúp cho các hạt cốm dính đường thật mịn đều, kết dính vào nhau bằng lớp đường thơm ngọt. Để cốm có hình dạng là những thỏi hình chữ nhật, mẹ sẽ đổ chúng vào cái khuôn lớn bằng cây mà ba đã làm sẵn. Mẹ còn rắc lên ít đậu phộng rang vàng để dậy mùi thơm đặc trưng của cốm nổ. Ba mạnh tay sẽ lấy cán cây cán đều cốm ra. Sau khi khối cốm đã cứng lại và nguội bớt, ba lấy cây dao yếm chia nhỏ khối cốm bằng những đường cắt ngang, dọc, sao cho miếng cốm cầm vừa tay người ăn.
Cầm miếng cốm giòn trên tay, đám trẻ quê tôi lại tiếp tục với những trò chơi và những tiếng cười rộn xóm khi bóng chiều dần buông.
TRẦM THANH TUẤN
Chiều nay (29/11), tại Sân vận động tỉnh (Phường 9, thành phố Trà Vinh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh khai mạc Giải vô địch bóng đá tỉnh Trà Vinh năm 2024. Đồng chí Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đến dự và phát biểu khai mạc Giải.